Sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ: Đây là một dự án Luật khó, phức tạp, chưa có tiền lệ mà Quốc hội lần đầu cho ý kiến, các nội dung chính sách có ý nghĩa, tác động lớn đến kinh tế, xã hội nước ta trong thời gian tới. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát tổng thể, chi tiết các nội dung sửa đổi để đảm bảo tính khả thi. Các nội dung sửa đổi cần bám sát tinh thần phân cấp, phân quyền gắn liền với thanh tra, kiểm tra, gắn trách nhiệm với người đứng đầu trong triển khai thực hiện; khơi thông các nguồn lực, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, DN; tạo sự minh bạch, giảm thiểu các thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, DN…
Theo ĐB Phan Đức Hiếu- Đoàn Thái Bình, việc xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thể hiện sự quyết tâm, hành động của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thể chế cho DN nhanh nhất có thể. Việc sửa đổi dự án Luật này còn thể hiện sự chủ động, năng động của Quốc hội, đảm bảo tính kịp thời và tinh thần đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của DN, người dân.
Còn ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga- Đoàn Quảng Bình bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cần tuân thủ quan điểm đã nêu trong Tờ trình cũng như là nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, được đánh giá tác động đầy đủ.
Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (Điều 1 dự thảo Luật), ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công như Tờ trình của Chính phủ vì để đẩy mạnh phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý (trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giảm thiểu các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể này trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện…
V.Thu