Bị thoát vị hoành bẩm sinh, bé sơ sinh phải lên bàn phẫu thuật ngay khi chào đời được một ngày. Ca phẫu thuật thành công đã hóa giải nguy cơ tử vong cho bệnh nhân nhi đặc biệt này.
Bệnh nhi B.V.D được phát hiện ruột chui lên ngực khi siêu âm trước sinh thai nhi tuần thứ 37. Do đó, thai phụ được chuyển lên BV Phụ sản Trung ương để mổ đẻ. Sau sinh, cháu được chuyển sang BV Hữu nghị Việt Đức để tiến hành phẫu thuật.
TS-BS.Nguyễn Việt Hoa- Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh (BV Hữu nghị Việt Đức), người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết: Sau đẻ, các trẻ có thoát vị hoành thường biểu hiện suy hô hấp sớm. Chính vì vậy, trẻ cần được theo dõi, hồi sức tại Khoa Sơ sinh để có biện pháp hỗ trợ hô hấp ngay. Đây là giai đoạn dễ gây tử vong nhất, nếu không được cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy, việc quản lý thai phụ và siêu âm phát hiện sớm bệnh là rất quan trọng để lập kế hoạch điều trị sau sinh.
TS-BS.Nguyễn Việt Hoa thông tin thêm, thoát vị hoành bẩm sinh là sự khiếm khuyết của cơ hoành dẫn đến các tạng trong ổ bụng như ruột non, đại tràng, dạ dày, lách, gan chui lên lồng ngực từ khi thai nhi trong bụng mẹ gây thiểu sản phổi. Tỷ lệ gặp bệnh khoảng 1/2.500 đến 1/5.000 trẻ. Thường gặp là thoát vị hoành bên trái (90%) và chủ yếu là thoát vị qua lỗ sau bên của cơ hoành trái (thoát vị Bochdalek). Nguyên nhân tử vong chính của thoát vị hoành là do sự thiểu sản phổi và tăng áp động mạch phổi, kết hợp các dị tật khác phối hợp. Trước đây, tỷ lệ tử vong của thoát vị hoành là trên 60%. Ngày nay, nhờ sự tiến bộ trong chẩn đoán sớm trước sinh, hồi sức sơ sinh và phương pháp phẫu thuật, nên tỷ lệ tử vong đã giảm hẳn, tỷ lệ sống sót của thoát vị hoành bẩm sinh từ 80-90%.
Phẫu thuật thoát vị hoành đòi hỏi phải được thực hiện ở các cơ sở chuyên khoa về phẫu thuật sơ sinh cũng như gây mê, hồi sức. Trường hợp cháu D. nặng 2.500 gam, 1 ngày tuổi đã được phẫu thuật bằng kỹ thuật nội soi ngực với dụng cụ nội soi 3mm đưa ruột, lách xuống ổ bụng, khâu lại cơ hoành. Sau phẫu thuật, trẻ được hồi sức thở máy. Hiện tại, sau mổ ngày thứ 3, tình trạng bé ổn định, tự thở và bú sữa mẹ.
Một trong các chức năng của Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh (BV Hữu nghị Việt Đức) là khám và tư vấn nhằm phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh của cơ quan sinh dục như: Hẹp bao quy đầu, vùi lấp dương vật, lỗ đái thấp, cong vẹo dương vật, thoát vị bẹn, ẩn tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh…; các dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu như: Thận ứ nước, giãn thận, giãn niệu quản, trào ngược bàng quang niệu quản, các bệnh lý tiêu hóa và các khối u bẩm sinh; các dị tật tay chân, lồng ngực (thừa ngón, biến dạng chi, lõm xương ức…).
Đại diện BV Hữu nghị Việt Đức cũng cho biết, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch Covid-19, BV đã đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh khi đến phẫu thuật. Tại Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh đã thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh để gia đình hoàn toàn yên tâm khi đưa trẻ đến điều trị. Mục tiêu của BV là giữ an toàn cho tất cả người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong BV trong khi thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe.
Thái An