Tiếp tục chương trình Hội nghị ASSA 38, sáng 25/11, đã diễn ra Phiên Hội thảo 2 với chủ đề “Giải pháp kỹ thuật số cho Bảo trợ xã hội”. Ông Romie Erfianto- đại diện BPJS Ketenagakerjaan điều hành Phiên Hội thảo.
Phiên Hội thảo 2 đã nhận được những chia sẻ mang tính tổng quát về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT thúc đẩy chiến lược số hoá, những kinh nghiệm thực tiễn triển khai trong lĩnh vực an sinh xã hội (ASXH) trên thế giới đến từ đại diện ISSA; ứng dụng các chiến lược số hoá tại các quốc gia thành viên ASSA nhằm chủ động thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới hiện nay. Từ đó, góp phần xây dựng được các nền tảng công nghệ, số hoá, các hệ sinh thái hỗ trợ trong phát triển người tham gia cũng như thụ hưởng chính sách ASXH.
Giải pháp công nghệ là cần thiết trong xây dựng hệ thống ASXH
Chia sẻ về Mô hình CNTT-Truyền thông mới thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ASXH đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, ông Raul Ruggia-Frick- Giám đốc Phát triển ASXH (Hiệp hội ASXH Quốc tế- ISSA) cho biết, trong thời đại số hoá, ứng dụng CNTT và số hoá đã mang lại nhiều lợi ích tốt hơn trong các hoạt động, tổ chức thực hiện chính sách ASXH.
Các đại biểu tham gia Phiên Hội thảo 2
Theo ông Raul Ruggia-Frick, những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ đã đưa thế giới đến với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong cuộc cách mạng mới này, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, kết nối vạn vật (Internet of Things), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ Blockchain, điện toán đám mây... không chỉ giúp con người và máy móc có thể kết nối và giao tiếp, mà còn thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi các mô hình và quy trình sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ, thậm chí tác động đến cách con người sống cũng như tạo ra cuộc sống…
Ðể đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng về mở rộng độ bao phủ ASXH, những thay đổi nhanh chóng về xã hội, nhân khẩu học, thị trường lao động và việc khách hàng ngày càng tự chủ trong các hoạt động liên quan đến kỹ thuật số..., các tổ chức ASXH trên khắp thế giới phải có những giải pháp chuyển đổi phù hợp.
Trên thực tế, những điều kiện khách quan và đòi hỏi nội tại đó đã giúp nhiều tổ chức nhanh chóng đưa ra các phản ứng chiến lược và công cụ sáng tạo để phục vụ mục tiêu bảo đảm ASXH. Dựa trên nền tảng các công nghệ mới, các tổ chức đã cung cấp ngày càng nhiều lợi ích và dịch vụ, tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường ngày càng có nhiều yếu tố phức tạp, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 mà thế giới đang phải đối mặt. Với sự kết hợp các yếu tố đó, các chuyên gia cho rằng, ASXH mà trực tiếp là những người dân, NLĐ nằm trong hệ thống an sinh đang được hưởng nhiều lợi ích từ công nghệ.
Đáng chú ý, theo đại diện ISSA, ứng dụng CNTT, số hóa sẽ góp phần chuyển đổi, cải thiện năng lực cho các tổ chức, giải quyết các vấn đề lớn trong chia sẻ thông tin cũng như tổ chức, thực hiện ASXH. "Số hóa giúp chúng ta có được CSDL, thông tin quan trọng, từ đó sử dụng để phân tích, phát hiện điều gì đang diễn ra, có được các dự báo, thông tin về phát triển trong tương lai. Từ đó, đưa ra được các định hướng, chiến lược chính xác, giảm thiểu các rủi ro trong những chương trình chiến lược về an sinh"- đại diện ISSA nhấn mạnh.
Đại diện của ISSA cũng chia sẻ thêm, hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia, tổ chức đã rất thành công trong việc ứng dụng số hóa, chuyển đổi số vào ASXH. Như Mexico hay Hàn Quốc đã có nhiều ứng dụng liên quan đến Big Data được áp dụng trong lĩnh vực an sinh như sử dụng nền tảng công nghệ để đưa ra các quyết định một cách chính xác nhất, mang tính tự động hóa cao, từ đó hỗ trợ, giảm thiểu áp lực công việc cho con người. Hay Bỉ, Uruguay… đã áp dụng hệ thống Chatbox (trả lời tự động) trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, tương tác bằng giọng nói, tự động trả lời e-mail, giải đáp các chương trình cho NLĐ và chủ SDLĐ cũng như quản lý đối tượng thụ hưởng một cách hiệu quả.
Hoặc, đã có nhiều quốc gia như Malaysia, Bỉ... áp dụng công nghệ Blockchanin để theo dõi luồng thông tin y tế; Australia, Canada, Đức… hỗ trợ, công bố, chia sẻ cũng như điều phối luồng thông tin giữa các bên trên nền tảng công nghệ Blockchanin Tuy nhiên, chuyên gia đến từ ISSA cũng cho rằng, để áp dụng được công nghệ hiện đại vào thiết lập và vận hành hệ thống ASXH bền vững, phải có sự ủng hộ và thay đổi nhận thức của lãnh đạo cấp cao trong xây dựng, phát triển chuyển đổi số, nâng chuyển đổi số lên tầm chiến lược quốc gia, một Chính phủ số và một xã hội số toàn diện.
Nâng cao trải nghiệm cho người dùng thông qua nền tảng số hóa
Chia sẻ về việc số hóa trong ASXH tại Singapore, bà Dorcas Fong- Giám đốc Vườn ươm và Trung tâm hỗ trợ DN (Quỹ Phòng xa Trung ương Singapore- CPFB) cho biết, trong thời đại công nghệ số với toàn dân sử dụng các thiết bị di động thông minh, thì việc cơ quan quản lý phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh này là cần thiết. Đối với CPFB, nhằm tiếp cận được khách hàng và mở rộng người tham gia, hệ thống đã triển khai xây dựng website của cơ quan, qua đó đưa tất cả ứng dụng trên nền tảng đám mây để giúp chuyển đổi dữ liệu.
Bà Dorcas Fong chia sẻ về việc số hóa trong ASXH tại Singapore
Tại website này, người dân sẽ tìm được thông tin cần thiết về chế độ, chính sách, quyền lợi liên quan. Website cũng được thiết kế hiện đại, hình ảnh bắt mắt, tìm kiếm nhanh và dễ dàng… tạo thuận lợi cho người dân khi tra cứu, tìm hiểu thông tin quá trình tham gia, thời gian đóng, số tiền đóng và quyền lợi được thụ hưởng…
Đại diện CPFB cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ số thông qua xây dựng website phải đảm bảo thu hút người tham gia và có trải nghiệm cá nhân cao, áp dụng linh hoạt, hệ thống đường truyền, nền tảng cơ sở hạ tầng phải được xây dựng vững chắc, đồng thời phải đảm bảo tính an toàn, an ninh thông tin. "Đến nay, sau 2 năm triển khai, CPFB đã tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tính năng, trải nghiệm người dùng, xây dựng được hệ thống thông tin hữu ích dành cho nhiều đối tượng… CPFB đang dự kiến nâng cấp website thành Cổng thông tin điện tử về ASXH tại Singapore, để thu hút thêm nữa người dân và chủ SDLĐ quan tâm"- bà Dorcas Fong cho biết.
Ông Paul Kang Hinan Beng- Trưởng phòng Cải cách (Tổ chức ASXH Malaysia- SOCSO) cho biết, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đã trở thành hướng đi cần thiết để các tổ chức ASXH, trong đó có Malaysia thích ứng với đại dịch. Chia sẻ về sử dụng các nền tảng trực tuyến, ông Paul Kang Hinan Beng thông tin: "Hiện bao phủ BHXH tại Malaysia chiếm khoảng 40% lực lượng lao động. Chính vì vậy, việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số nhằm quản lý và phát triển người tham gia là rất quan trọng. Vừa qua, SOCSO đã tổ chức hội thảo trực tuyến về việc làm, lao động, BH thất nghiệp và các chính sách ASXH, thu hút 40 nghìn người theo dõi, mà nếu tổ chức trực tiếp theo cách truyền thống khó có thể đạt được số lượng này. Điều đó cho thấy, việc số hóa, ứng dụng CNTT trong các hoạt động về ASXH vô cùng hiệu quả".
Ông Pramudya Iriawan Buntoro nêu những khó khăn, thách thức với các tổ chức ASXH
Chia sẻ về thúc đẩy ASXH và số hóa tại Indonesia, ông Pramudya Iriawan Buntoro- Giám đốc Hoạch định Chiến lược và CNTT (BPJS Ketenagakerjiaan Indonesia) nêu rõ những khó khăn, thách thức đặt ra với các tổ chức ASXH nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng do số hóa toàn cầu như những thay đổi về thị trường lao động, sự tham gia vào hệ thống ASXH của NLĐ, hạn chế về ngân sách; mở rộng các mối quan hệ lao động, sử dụng và theo dõi quá trình đóng góp của NLĐ và chủ SDLĐ; thu hút NLĐ khu vực phi chính thức tham gia vào hệ thống; chính sách BH thất nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, áp lực công việc đối với NLĐ trong cơ quan ASXH khi phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ… buộc các cơ quan này phải ứng dụng CNTT và số hóa để nâng cao hiệu quả công việc.
"Để giải quyết khó khăn, thách thức đặt ra cũng như đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người dân đối với các hoạt động ASXH, BPJS đã cho ra đời nền tảng trực tuyến ASXH (JMO). Ứng dụng này nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giải quyết các chế độ, chính sách kịp thời cho người thụ hưởng"- đại diện BPJS cho biết. Theo đó, ứng dụng triển khai từ tháng 9/2021 đã thu hút được sự tham gia của 452 nghìn người dùng mới. Ứng dụng giúp người dùng có thể tra cứu được thông tin đóng-hưởng, đăng ký tham gia theo nhu cầu của cá nhân, tăng tính tiện dụng khi đăng ký tham gia và chi trả chế độ thông qua ứng dụng này. Đặc biệt, mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ ASXH mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị thông minh; từ đó tạo ra sự thuận tiện trong thanh toán, đăng ký tham gia với thời gian nhanh hơn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Với việc giải quyết chế độ, trước đây, người tham gia chính sách muốn thụ hưởng chế độ phải mang hồ sơ trực tiếp đến cơ quan an sinh, thì nay có thể yêu cầu giải quyết thông qua nền tảng kỹ thuật số. Không những thế, thời gian giải quyết các chế độ cũng được rút ngắn rất nhiều, bởi nếu theo cách truyền thống thì việc nộp các hồ sơ chờ giải quyết chế độ mất khoảng 5 ngày, thì khi sử dụng JMO chỉ cần 10 phút sẽ giải quyết xong quyền lợi cho người thụ hưởng. Theo số liệu, hiện nay, trong tổng số 151.708 yêu cầu giải quyết chế độ, có khoảng 21% yêu cầu giải quyết trên nền tảng ứng dụng và tỷ lệ giải quyết đạt 90%. Cũng nhờ những tiện ích đó, JMO được người dùng đánh giá cao về tính trải nghiệm"- đại diện BPJS cho biết.
Ông Pramudya Iriawan Buntoro cũng nhận định, từ những triển khai thực tiễn từ Indonesia cho thấy, số hoá đã góp phần tăng cường năng lực tiếp cận hệ thống của người dân và NLĐ, góp phần xây dựng các chiến lược lớn về ASXH cho mỗi quốc gia. Chính vì vậy, với nhiệm vụ của mình, mỗi tổ chức ASXH cần tiếp tục đẩy mạnh số hoá để đảm bảo ASXH của NLĐ trong khu vực.
Thủy Hà