Đồng chí Lê Đức Thọ, tên khai sinh là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/1911 tại làng Địch Lễ, tổng Đông Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Nam Vân, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định), là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.
Đồng chí Lê Đức Thọ tham gia phong trào cách mạng từ năm 1926 khi mới 15 tuổi. Đến năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Là một chiến sĩ cộng sản trưởng thành từ phong trào cách mạng, lăn lộn, xông pha trên nhiều trận tuyến, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng và nhân dân tin cậy, giao phó nhiều trọng trách quan trọng.
Đồng chí Lê Đức Thọ
Trải qua 64 năm hoạt động cách mạng vào Nam ra Bắc, đã từng giữ trọng trách cao trong nhiều lĩnh vực công tác của Đảng, đồng chí là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm của Đảng và Nhà nước. Ở cương vị lãnh đạo nào, đồng chí cũng để lại dấu ấn riêng, tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần lạc quan cách mạng và một dũng khí chiến đấu kiên cường đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xả thân vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Được Đảng và nhân dân tín nhiệm giao phó những trọng trách lớn
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Đức Thọ được giao phụ trách công tác khu an toàn của Trung ương, công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ, được chỉ định làm Ủy viên Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ, sau đó được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào kiểm tra công tác kháng chiến kiến quốc ở Nam Bộ. Năm 1949, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, sau đó làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ đầu năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc, sau đó được bổ sung vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, kiêm chức Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương; được cử vào Quân ủy Trung ương... Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tháng 5/1968, đồng chí được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pari bàn về lập lại hòa bình ở Việt Nam...
Đồng chí Lê Đức Thọ là một nhà ngoại giao nổi tiếng
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tục được giao phó nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước, tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng trong nhiều nhiệm kỳ. Ngoài ra, đồng chí còn đảm nhiệm một số nhiệm vụ đặc biệt quan trọng như: Phụ trách công tác biên giới Tây Nam (1977-1979); Trưởng đoàn chuyên gia của Chính phủ ta bên cạnh Chính phủ Campuchia và thay mặt Bộ Chính trị làm việc với Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia (1979-1982); Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đảng (1983); Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí được Đại hội cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên cương vị là người lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã định hình một phong cách riêng, mang dấu ấn của một nhà lãnh đạo tài năng, bản lĩnh và sáng tạo.
Phong cách lãnh đạo của đồng chí Lê Đức Thọ
Thứ nhất, cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo, linh hoạt trong thực hiện
Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Đức Thọ hơn ai hết hiểu rằng, yêu cầu đầu tiên trong phong cách làm việc của người lãnh đạo, quản lý là phải có sự thống nhất giữa tính Đảng, tính nguyên tắc cao với tính năng động, sáng tạo, sự nhạy cảm với cái mới. Thực hiện triệt để chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ điều chủ chốt trong phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý là phải: Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc.
Trong thực tiễn công tác, đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, người lãnh đạo, quản lý có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, ở đây cần có sự vững vàng, không thay đổi trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Nhất là những vấn đề có tính Cương lĩnh, quan điểm cơ bản của Đảng, mục tiêu, chính sách, pháp luật của Nhà nước là bất biến, phải giữ vững như sắt đá. Để thực hiện những điều bất biến đó, các hình thức, phương pháp, biện pháp, bước đi phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt mới có thể đạt kết quả. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn những người lãnh đạo quản lý phải có bản lĩnh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Thứ hai, phong cách lãnh đạo dân chủ nhưng quyết đoán
Là người có trọng trách trong một tập thể, đồng chí Lê Đức Thọ là người có phong cách làm việc dân chủ, tập thể. Trên cương vị là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, chịu trách nhiệm trước Đảng về công tác tổ chức, cán bộ, đồng thời là người nắm vững yêu cầu, nhiệm vụ, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cả hai miền Nam-Bắc, đồng chí Lê Đức Thọ lập danh sách, yêu cầu bộ phận chuyên trách chuẩn bị hồ sơ để đồng chí nghiên cứu và trao đổi với các đồng chí có trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương, sau đó đồng chí trực tiếp báo cáo, xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt trước khi trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định đề bạt, hay thuyên chuyển công tác đối với từng trường hợp cán bộ cụ thể. Những cán bộ được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt thời kỳ này đều được lựa chọn, thử thách và đã đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH.
Hội thảo khoa học về đồng chí Lê Đức Thọ vừa tổ chức ngày 7/10/2021
Cùng với đó, đồng chí Lê Đức Thọ cũng cho rằng, ý thức tập thể cao, biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, phát huy trí tuệ tập thể, nhưng lại không có tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm cá nhân trước tập thể, thì không thể có những quyết định kịp thời đáp ứng yêu cầu cuộc sống đòi hỏi và công việc cũng không thể tiến triển được. Do đó, trong quá trình lãnh đạo phải có tính chủ động, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn, cấp bách. Đồng chí cho rằng: Trong lãnh đạo, có những vấn đề cần có thì giờ chờ đợi sự nhất trí như những vấn đề lý luận lâu dài, nhưng những vấn đề cấp bách như vấn đề tấn công và phản công địch, chống bình định và chống lấn chiếm đang nóng bỏng thì nhất thiết phải được giải quyết ngay cho nhất trí và phải có sự quyết đoán dứt khoát, không nên chần chừ...”.
Thứ ba, phong cách lãnh đạo sâu sát, gần gũi
Giữ cương vị lãnh đạo ở nhiều vị trí quan trọng, quyền cao, chức trọng, nhưng đồng chí Lê Đức Thọ không xa cách với quần chúng. Đồng chí có phong cách sống và làm việc sâu sát với thực tiễn, gần gũi với nhân dân, thấu hiểu và chia sẻ mọi niềm vui và nỗi vất vả của người dân. Đồng chí đã thường xuyên có sự chỉ đạo cụ thể trên những lĩnh vực phụ trách đối với các địa phương, đơn vị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong tình hình mới. Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Liên- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã khẳng định: “Phong cách làm việc của chú Sáu Thọ- Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng để lại nhiều bài học cho công tác xây dựng Đảng, trong đó khâu nhận xét cán bộ phải xuất phát từ phong trào cách mạng của quần chúng. Chính chú Sáu Thọ, chứ không chỉ dựa trên một hệ thống báo cáo nhiều khi mang tính hình thức, mà đích thân đến tận nơi xem xét cụ thể từng việc và từng con người khi cần phải cân nhắc”.
Thứ tư, nói đi đôi với làm, ngay thẳng, trung thực, gương mẫu và giản dị
Điểm nổi bật nhất ở phong cách đồng chí Lê Đức Thọ, chính là luôn có sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, tư tưởng và hành động, nói đi đôi với làm, nói đúng, nói hay và làm giỏi. Cả cuộc đời cách mạng đầy phong ba bão táp của đồng chí là một bài học lớn chiếu sáng nguyên tắc tư tưởng, đạo đức, phong cách làm việc- nói đi đôi với làm. Bởi lẽ, đồng chí thấm nhuần di huấn của Hồ Chủ tịch “Một tấm gương sống còn giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Với người lãnh đạo, quản lý, phải lấy kết quả thiết thực trong hoạt động, công tác làm thước đo sự cống hiến và giá trị nhân cách.
Không chỉ vậy, đồng chí còn dành nhiều công sức giáo dục cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý phong cách làm việc đi sâu, đi sát quần chúng, mong muốn họ trở thành những người lãnh đạo, quản lý thành công do được dân tin, dân yêu, dân phục, dân theo, dân ủng hộ.
Đặt ra yêu cầu về đạo đức, lối sống đối với cán bộ, bản thân đồng chí Lê Đức Thọ luôn nêu tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức một cách nghiêm khắc và nhất quán, có lối sống lành mạnh, trung thực, ngay thẳng và giản dị trong công tác và trong cuộc sống gia đình, trong quan hệ với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ và đối với anh chị em giúp việc, phục vụ trong văn phòng. Suốt đời, đồng chí kiên trì, bền bỉ phấn đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí đã để lại cho các thế hệ cách mạng tấm gương cao đẹp về sự kiên định lý tưởng, niềm tin son sắt vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo; không ngừng trau dồi phẩm chất cách mạng của người cộng sản, phát huy trí tuệ sáng tạo, gắn bó máu thịt với nhân dân, khiêm tốn, tận tụy, trách nhiệm, tận trung với nước, với Đảng, thủy chung với đồng chí, đồng bào. Nhân kỷ niệm lần thứ 10 Ngày giải phóng miền Nam, trong bài trả lời phỏng vấn của nữ phóng viên Hãng thông tấn Mỹ (UPI) Sylvana Foa ngày 15/3/1985, đồng chí Lê Đức Thọ đã nhấn mạnh: “Thực ra đời hoạt động của tôi so với sự nghiệp của nhân dân tôi, sự nghiệp của cách mạng, thì có thể nói rằng, nó là một giọt nước trong biển cả”.
Năm là, nghiêm khắc nhưng bao dung độ lượng với cán bộ
Trong nhiều năm được Đảng phân công phụ trách công tác xây dựng Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ luôn chỉ đạo phải quán triệt và yêu cầu bảo đảm tiêu chuẩn tài và đức của cán bộ. Đồng chí rất mực thương yêu, chăm lo, tận tâm giúp đỡ và động viên cán bộ, nhưng cũng hết sức nghiêm khắc và thẳng thắn đối với những sai lầm và khuyết điểm của cán bộ. Đồng chí không nể nang dung dưỡng những điều sai trái của cán bộ và yêu cầu cán bộ các cấp không chỉ phải rèn luyện những vấn đề liên quan tới năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức và lối sống cùng cách đối nhân xử thế trong sáng, có lý có tình; đồng thời cũng phải tạo mọi điều kiện và cơ hội để cán bộ, đảng viên sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Có cán bộ bị kỷ luật mà hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, đồng chí Lê Đức Thọ lại nhắc nhở tổ chức giúp đỡ, không vì cán bộ vi phạm khuyết điểm mà xa lánh không quan tâm đến cuộc sống của anh em. Đồng chí Lê Đức Thọ thường căn dặn phải tìm cách để ngăn chặn được cán bộ sai lầm mới tốt, còn để cán bộ phạm sai lầm phải xử lý là điều bất đắc dĩ.
Trong nhiều năm giữ vai trò là người lãnh đạo, hoạt động trên nhiều địa bàn, lĩnh vực công tác khó khăn phức tạp, đồng chí Lê Đức Thọ luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cộng sản, với lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH. Đồng chí là một trong những người cộng sản mẫu mực, một học trò, một cộng sự tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Cuộc đời hoạt động kiên cường, năng động, sôi nổi với tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng về lòng thiết tha yêu nước, yêu dân, về tinh thần quốc tế cao cả… đã định hình một phong cách riêng- phong cách Lê Đức Thọ!
PGS-TS.Lâm Quốc Tuấn- TS.Đinh Quang Thành