Việt Nam là một trong 2 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận trong 5 thành tựu về phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2022. Tử vong do đuối nước trẻ em đã giảm mỗi năm trung bình 3-5%, tương đương giảm 100 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo đối tác Chương trình Phòng, chống đuối nước cho trẻ em do Bộ LĐ-TB và XH phối hợp Quỹ Từ thiện Bloomberg tổ chức từ ngày 19-21/7 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH nhấn mạnh công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, của các cấp, các ngành, địa phương tại Việt Nam. Luật Trẻ em đã quy định trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1248/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030 với can thiệp toàn diện, đa ngành về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Trong đó, đặc biệt tập trung mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em. “Hiện nay, tỷ lệ tử vong do đuối nước trẻ em đã giảm mỗi năm trung bình 3- 5%, tương đương giảm 100 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Nhằm phát huy sức mạnh liên ngành trong phòng, chống đuối nước ở trẻ em, Bộ LĐ-TB và XH đã cùng với 9 Bộ, ngành, đoàn thể tiếp tục ký kết Kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022- 2030”- bà Hà khẳng định.
Chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam giữa Bộ LĐ-TB và XH và Quỹ từ thiện Bloomberg với sự quản lý trực tiếp của Tổ chức Chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá/Tổ chức Vận động Chính sách y tế toàn cầu, sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức y tế thế giới trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: 30.000 trẻ em từ 6-15 tuổi đã được dạy bơi an toàn và 54.000 trẻ em từ 6-15 tuổi được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; đã đào tạo được 915 hướng dẫn viên dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 14 bể bơi di động đã được lắp đặt tại các địa bàn triển khai dự án. Đồng thời, Chương trình đã góp phần tăng cường kiến thức về an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và người chăm sóc trẻ; tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; hỗ trợ triển khai và hoàn thiện văn bản, chính sách pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; hỗ trợ việc chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em phù hợp Việt Nam và khuyến nghị của WHO, can thiệp. Chương trình phù hợp với mục tiêu, giải pháp của Chiến lược, Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận và chia sẻ những kết quả nghiên cứu, sáng kiến và những phương pháp phát huy vai trò của cộng đồng trong xây dựng chương trình và chính sách phòng chống đuối nước của các quốc gia, những bài học từ thực tiễn về phòng chống đuối nước tại tỉnh Đồng Tháp và Nghệ An. Đồng thời, đánh giá thực trạng và các bước tiếp theo của từng quốc gia, và xây dựng giải pháp để tăng cường hợp tác và chia sẻ kiến thức về phòng, chống đuối nước cho trẻ em; các đại biểu sẽ có chuyến thăm quan và làm việc trực tiếp tại mô hình thí điểm của địa phương.
V.Thu