Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Médecins Sans Frontiers, MSF), là một tổ chức toàn cầu chuyên cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu trên toàn thế giới. Tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, sau khi trận động đất tháng 2/2023 xảy ra đến nay, MSF tích cực tham gia cung cấp viện trợ và hỗ trợ cho người dân các khu vực bị ảnh hưởng.
Trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 6/2/2023 đã làm tử vong khoảng 50.000 người ở quốc gia này và khoảng 6.000 người ở Syria. Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 50.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng, khiến khoảng 2,5 triệu người hiện vẫn phải sống trong lều và chỉ có 70.000 người được lánh nạn trong các container được chuyển đổi thành nhà ở tạm thời. Trước thực trạng đó, Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Médecins Sans Frontiers, MSF) đã triển khai một loạt công tác cứu hộ để góp phần cùng Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện, tổ chức xã hội khác… khắc phục hậu quả và ổn định đời sống người dân.
Khoảng 2,5 triệu người bị ảnh hưởng bởi động đất hiện vẫn phải sống trong lều
Ngay sau khi động đất xảy ra, các đội y tế của MSF ở miền Bắc Syria đã triển khai cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp cho các nạn nhân sau thảm họa. Tại Idlib, Tổ chức này đã điều trị thành công cho hơn 200 bệnh nhân trong giờ đầu tiên sau động đất, mặc dù động đất đã gây thiệt hại nặng nề, làm nhiều bệnh viện, bao gồm cả 02 trung tâm phụ sản của MSF ở Tây Bắc Syria, không thể sử dụng được. Đồng thời, cung cấp hỗ trợ y tế cho 3.465 người bị thương và cung cấp bộ dụng cụ y tế cho một số bệnh viện, phòng khám. Không chỉ vậy, MSF đưa vào vận hành các phòng khám di động, cung cấp dịch vụ xe cứu thương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển bệnh nhân nguy kịch đến nơi điều trị thích hợp. Mặc dù ban đầu MSF chưa kịp có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ trong trận động đất nhưng đã nhanh chóng cung cấp viện trợ ngay khi có thể.
Sau động đất, nhiều tòa nhà, nhà ở bị phá hủy; việc mất người thân; thiệt hại kinh tế… đặt ra thách thức đáng kể cho những người sống sót. Nỗi sợ hãi mọi người cảm thấy không an toàn, dẫn đến một loạt vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm rối loạn giấc ngủ, lo lắng liên quan đến dư chấn, ác mộng… và căng thẳng. Để góp phần giải quyết vấn đề, các tình nguyện viên của MSF hợp tác với chính quyền địa phương cung cấp các hoạt động hỗ trợ tâm lý chuyên biệt, đặc biệt là cho trẻ em, thông qua các hoạt động trị liệu khác nhau như vẽ, khiêu vũ và âm nhạc.
Người dân nhận khẩu phần ăn MSF hỗ trợ
Bên cạnh đó, MSF còn lưu tâm đến cung cấp nước sạch và thiết bị vệ sinh. Kể từ tháng 4/2023, Tổ chức đã lắp đặt 61 bể chứa nước, 312 nhà vệ sinh, 160 vòi hoa sen… và cung cấp hơn 2,5 triệu mét khối nước cho người dân bị ảnh hưởng bởi động đất. Ngoài ra, đã quyên góp một lượng đáng kể củi đốt, trái cây, rau củ, bộ dụng cụ vệ sinh, lều… và các đồ đạc thiết yếu khác. Nhờ nỗ lực của MSF, các khu vực người dân bị ảnh hưởng bởi động đất có nước sạch, góp phần bảo vệ hiệu quả người dân khỏi các dịch bệnh lây truyền qua nước. Đặc biệt, phối hợp với các chính quyền địa phương, ở Thổ Nhĩ Kỳ, MSF cung cấp 38.154 bộ dụng cụ vệ sinh, 2.624.721 lít nước, phục vụ 390.500 bữa ăn và phân phát hơn 50 tấn củi vào ngày 25/4/2023.
Với sự đóng góp từ người dân trên khắp thế giới, MSF đã đảm nhận tốt vai trò là “cầu nối” giữa nhà hảo tâm, nhà từ thiện với người dân bị ảnh hưởng bởi động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria. Không chỉ hiệu quả trong đánh giá nhu cầu y tế để viện trợ kịp thời cho các nạn nhân, MSF còn cung cấp sự hỗ trợ về chiều sâu, đó là các vấn đề về sức khỏe tinh thần, nước sạch, vệ sinh… đảm bảo người dân bị ảnh hưởng bởi động đất được tiếp cận với cơ sở vật chất cơ bản.
Tùng Anh (Theo MSF)