Ngày 13/7, tại TP.HCM, Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tổ chức Hội thảo khu vực phía Nam lấy ý kiến về dự án Luật BHXH (sửa đổi) và những vấn đề lớn về dân số. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu tham dự và có những chia sẻ tại Hội thảo.
Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong 7 năm thực hiện Luật BHXH 2014, toàn quốc có trên 476.000 người hưởng BHXH một lần đã có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm với độ tuổi từ 40 tuổi trở lên; có trên 53.000 người đã hết tuổi lao động phải nhận BHXH một lần do chưa đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, trong tổng số 4,5 triệu lượt người hưởng BHXH một lần, có gần 1,3 triệu lượt người sau này quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH...
Đại biểu tham dự Hội thảo
Chia sẻ về thực trạng này, ông Andre Gama- Giám đốc Chương trình An sinh quốc gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng, trên thế giới không có nước nào cho phép rút BHXH một lần như Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần phải có giải pháp để hạn chế rút BHXH một lần; đặc biệt Nhà nước cần ưu tiên chính giảm số NLĐ rời hệ thống BHXH. Theo ông Andre Gama, nhiều NLĐ cần rút tiền BHXH một lần để đi nghỉ mát, mua xe, nuôi con, kinh doanh- đây là điều mà chính sách công có thể hỗ trợ cho họ.
Cũng theo ông Andre Gama, nếu chúng ta thay đổi quy định về rút BHXH một lần ngay, sẽ gây tâm lý bất ổn cho NLĐ. Vì thế, việc điều chỉnh chính sách rút BHXH một lần cần có độ giảm từ từ về tỷ lệ được rút. Đồng thời, Việt Nam cần lưu ý có chính sách hỗ trợ NLĐ được vay vốn lúc khó khăn để làm ăn, kinh doanh, cũng như có chế độ hỗ trợ cho trẻ em, tạo việc làm... "Thay vì rút BHXH một lần, thì họ có thể vay vốn ở một nơi nào đó. Một số vấn đề có thể nằm ngoài phạm vi Luật BHXH, nhưng liên quan đến luật khác. Do đó, cần có sự tiếp cận đồng bộ, ví dụ như Luật Việc làm, để khuyến khích NLĐ không rút BHXH một lần”- ông Andre Gama khuyến nghị.
Bà Trần Thị Diệu Thúy- Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM nêu đề xuất tại Hội thảo
Bà Trần Thị Diệu Thúy- Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM nêu đề xuất, trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nên quy định 2 phương án rút BHXH một lần. Thứ nhất, những NLĐ đã đóng BHXH rồi và đang làm việc thì được rút BHXH một lần. Nhưng, những người tham gia mới BHXH, kể từ khi dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, thì chỉ được rút 50% số tiền BHXH một lần hoặc chỉ được rút phần NLĐ đóng. Số 50% còn lại hoặc phần người SDLĐ đóng phải để lại làm hành trang cho NLĐ khi về già.
Bà Thúy cũng đề xuất cần có giải pháp mạnh mẽ xử lý người SDLĐ không hoàn thành nhiệm vụ đóng BHXH cho NLĐ. Đồng thời, định nghĩa lại hành vi trốn đóng, bỏ đi mất và không đóng BHXH bao nhiêu lâu để xác định hành vi vi phạm của DN...
Trong khi đó, bà Pauline Tamesis- Điều phối viên thường trú của LHQ kiêm Trưởng Đại diện Quỹ Dân số LHQ cũng cho biết: “Chúng tôi chưa phát hiện ra nước nào trên thế giới cho phép rút BHXH một lần như Việt Nam cả. Vì vậy, cũng không biết là khi ngừng không cho rút BHXH ở các nước sẽ như thế nào cả? Rất khó để có một bài học để rút ra từ họ...”.
Tuy nhiên, bà Pauline Tamesis đánh giá, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển chính sách BHXH. Dẫn con số tham gia BHXH tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis cho rằng, tỷ lệ bao phủ BHXH còn thấp, chỉ chiếm 37% lực lượng lao động còn khoảng cách khá lớn với mục tiêu đạt tỷ lệ bao phủ 60% (đến năm 2030) mà Việt Nam đề ra ở Nghị quyết 28-NQ/TW, trong khi tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam ngày càng tăng. Do đó, bà Pauline Tamesis đề nghị Việt Nam cần quan tâm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chia sẻ tại Hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần cần phải thực hiện song hành và đồng bộ nhiều giải pháp. "Hiện chúng ta đã có Luật Việc làm, chính sách BH thất nghiệp. Trong đó, việc tìm kiếm, hỗ trợ quay lại thị trường lao động là rất quan trọng đối với NLĐ mất việc làm. Nếu có lại việc làm ngay, NLĐ sẽ tiếp tục công việc và tham gia BHXH mà không nhận BHXH một lần"- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phân tích. Đồng thời, bày tỏ đồng tình với chính sách hỗ trợ NLĐ khó khăn vay tiền để tiếp tục làm việc, tuy nhiên nên khống chế mức cho vay cho phù hợp.
Trao đổi về việc phát triển người tham gia BHXH, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, ngoài đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cần nghiên cứu xác định NLĐ có thu nhập, có tiền lương tiền công thuộc đối tượng tham gia BHXH. Vì nếu xác định bằng HĐLĐ, khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra, các DN không đưa ra HĐLĐ, nên khó trong việc xử lý hành vi của chủ SDLĐ. Đồng thời, nên xem xét hành vi trốn đóng là hành vi đã trả lương cho NLĐ nhưng không chịu đóng BHXH...
Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, tính vùng miền cũng liên quan đến rút BHXH một lần. Người miền Nam sẵn sàng rút, trong khi có người từ miền Bắc vào đây do tư duy cuộc sống nên thường chú trọng tích lũy. Vì vậy, rút BHXH một lần ở phía Nam thường diễn ra nhiều và căng thẳng hơn. Bên cạnh đó, ông Thành cho rằng, một bất cập hiện nay là việc học nghề lại không phục vụ cho việc NLĐ quay trở lại thị trường lao động; việc mở rộng quyền lợi cho NLĐ khi tăng mức hưởng cho nhóm trợ cấp thất nghiệp nếu thoải mái quá như hiện nay thì nhiều NLĐ không chịu đi làm mà cứ chăm chăm hưởng thất nghiệp rồi sau đó hưởng BHXH một lần. Vì vậy, chỉ nên cho phép hưởng 6 tháng đầu, sau đó giảm còn 50% để thúc đẩy NLĐ đi làm.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Thuần Phong- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, chính sách BHXH ở Việt Nam thời gian qua đạt được nhiều thành tựu, nhất là diện bao phủ ngày càng mở rộng, số người hưởng chế độ BHXH ngày một nhiều. Tuy nhiên, chính sách BHXH còn chưa quan tâm lao động phi chính thức, tình trạng rút BHXH một lần tăng nhanh, việc trốn đóng BHXH vẫn còn tồn tại...
“Việc ban hành chính sách và tổ chức thực hiện Luật BHXH vẫn còn những hạn chế. Bên cạnh đó, vì sao chúng ta tuyên truyền rất nhiều về việc tham gia BHXH lâu dài sẽ có nhiều lợi ích..., nhưng tình trạng rút BHXH một lần vẫn xảy ra trong những năm qua? Liệu có cần thay đổi về quy định rút BHXH một lần như hiện nay không? Lợi ích khi dùng ngân sách hỗ trợ, hỗ trợ đủ đối tượng chưa, được xã hội hóa không? Vì vậy, dự án luật lần này phải giải quyết cho được vấn đề rút BHXH một lần. Đồng thời, cần tính thêm các giải pháp như cho NLĐ vay, hay phương án với những người tham gia BHXH trước và sau khi luật mới có hiệu lực...”- ông Đặng Thuần Phong lưu ý.
Phạm Thọ