Khoảng 45,5% người lao động tại Nhật Bản ngủ chưa đến 6 giờ đồng hồ mỗi đêm- đó là kết quả một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ Nhật Bản, trong đó nêu rõ tình trạng mệt mỏi ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người lao động.
Mặc dù thời lượng giấc ngủ lý tưởng thay đổi tùy theo từng người, nhưng cuộc khảo sát chỉ ra nhiều người cảm thấy có khoảng cách lớn giữa thời gian ngủ lý tưởng và số giờ ngủ thực tế của họ. Điều đó chứng tỏ Nhật Bản còn một chặng đường dài để cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người dân.
Theo Sách Trắng phân tích tình hình tử vong và tự tử liên quan đến làm việc quá sức (karōshi) ở Nhật Bản được Nội các nước này thông qua mới đây, trong tài khóa 2022 có tổng cộng 710 trường hợp tự tử được cho là do rối loạn tâm thần vì làm việc quá sức. Trong số 10.000 người đang có việc làm tham gia khảo sát, 45,4% cho biết thời gian ngủ lý tưởng là từ 7 đến 8 giờ, và 17,1% cho rằng cần ngủ hơn 8 giờ. 10% người tiết lộ họ ngủ chưa đến 5 giờ mỗi đêm, 35,5% ngủ 5-6 giờ và 35,2% ngủ 6-7 giờ.
Khảo sát cũng cho thấy, trong số những người lao động ngủ ít hơn 4 giờ và 5 giờ so với thời gian mà họ cho là lý tưởng, lần lượt có 27,4% và 38,5% được cho là có thể rơi vào tình trạng trầm cảm nặng hoặc rối loạn lo âu. Thực tế cho thấy những người này có nguy cơ lớn hơn mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Ngoài ra, tỷ lệ người phàn nàn về tình trạng thiếu ngủ cũng tỷ lệ thuận theo số giờ làm việc mà họ phải làm. Khoảng 78% những người làm việc từ 60 giờ trở lên mỗi tuần cho biết họ không ngủ đủ giấc, trái ngược với những người làm việc ít giờ hơn.
Khoảng 70% số ý kiến cho rằng nếu một người ngủ đủ thời gian lý tưởng thì không gặp nguy cơ trầm cảm hay lo âu. Trong số những người ngủ ít hơn thời gian lý tưởng từ 3 đến 5 giờ, chỉ khoảng 40% tránh được nguy cơ này.
Bất chấp những dự án được chính phủ thực hiện trong nhiều năm qua nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng làm việc quá sức, sức khỏe của nhiều người lao động vẫn là mối quan tâm lớn của Nhận Bản. Một quan chức Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi khuyến nghị cần thay đổi thực tế thời gian làm việc kéo dài và cho phép người lao động được ngủ nhiều hơn, để họ có thể duy trì trạng thái tâm thần mạnh khỏe.
Trước đó, các quan chức của Bộ Y tế đã kêu gọi các chủ doanh nghiệp đặt ra số giờ nghỉ ngơi và phục hồi tối thiểu giữa các ca làm việc. Theo luật, các công ty được yêu cầu áp dụng cái gọi là hệ thống giãn cách giữa giờ làm việc. Tuy vậy, yêu cầu này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý và chính phủ không đưa ra số giờ cụ thể cho khoảng thời gian đó. Ngược lại, ở một số nước châu Âu, chính phủ yêu cầu người lao động phải nghỉ ít nhất 11 giờ giữa các ca.
Cuộc khảo sát được tiến hành sau báo cáo năm 2021 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết thời gian ngủ trung bình của người Nhật là 7 giờ 22 phút, ít nhất trong số 33 nước thành viên tổ chức này, vốn có mức trung bình là 8 giờ 28 phút.
Báo cáo thường niên về karōshi ở Nhật Bản được thực hiện theo Luật Thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn tử vong và thương tích do làm việc quá sức, có hiệu lực vào năm 2014. Karōshi thường gây ra bởi các cơn đau tim và đột quỵ do làm việc quá sức và do tự tử do căng thẳng liên quan đến công việc.
Hoàng Dương