Các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần tỉnh táo trước những lời mời chào cơ hội việc làm béo bở để tránh rơi vào bẫy của bọn tội phạm buôn người.
Trong những năm gần đây, các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và ở Đông Nam Á nói riêng diễn biến rất phức tạp với các phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nạn nhân có thể là bất cứ ai, từ bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, có thể là đàn ông, phụ nữ, trẻ em hoặc người chuyển giới và thuộc bất kỳ chủng tộc hay sắc tộc nào.
Hàng chục nghìn người đã bị lừa tới các hang ổ phạm tội trong khu vực qua hình thức mời chào "việc nhẹ lương cao" trên mạng xã hội và các trang web tuyển dụng. Họ sau đó bị giữ trong các khu nhà kiên cố có điều kiện sống tồi tệ, bị tịch thu hộ chiếu, xé bỏ hợp đồng thường xuyên bị lạm dụng và bạo hành. Các nạn nhân cũng bị ép tham gia hoạt động tội phạm, như lừa đảo đầu tư và cờ bạc trực tuyến. Họ thường xuyên phải làm việc 14 giờ mỗi ngày, dụ dỗ người chơi và cuối cùng là người chơi móc hầu bao đầu tư mà những người trong giới gọi là "mổ thịt lợn".
Làm nhiều giờ liền nhưng các lao động chỉ được nhận mức lương rất thấp và bị cấm rời khỏi khu nhà, thậm chí không được phép nói chuyện với bạn cùng phòng. Nhiều người cho biết họ đã tìm cách thoát khỏi nơi làm việc nhưng bị bắt phải trả một số tiền rất lớn và lo sợ bị bán cho các tổ chức tội phạm khác. Nếu lao động không đạt chỉ tiêu hoặc vi phạm các quy tắc, họ sẽ phải đối mặt với các hình phạt. Nhiều người được giải cứu và trốn thoát đã thuật lại các câu chuyện đau lòng về việc bị đánh đập, giật điện tra tấn, bóc lột tình dục hay bỏ đói giam cầm trong phòng tối.
Trong bối cảnh đó, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) hồi tháng 6 vừa qua đã phải đưa ra mức cảnh báo màu cam cho 195 quốc gia thành viên về "cuộc khủng hoảng buôn người toàn cầu". Đây là cảnh báo được Interpol phát ra để chỉ những mối đe dọa nghiêm trọng và sắp xảy tới với an toàn công cộng.
Vào dịp Thế giới phòng chống mua bán người ngày 30/7 vừa qua, thực trạng tiếp tục được nêu bật để nâng cao thêm nhận thức của công chúng.
Trước đó, ngày 27/6, cảnh sát Philippines đã tổ chức một cuộc đột kích lớn, giải cứu hơn 2.700 lao động từ 18 quốc gia, với nhiều người được cho là nạn nhân của các vụ buôn người. Họ bị ép tìm người chơi cho những trò chơi trực tuyến. Hồi tháng 5, cảnh sát đã đột kích vào một cơ sở tội phạm mạng khác ở phía bắc thủ đô Manila, giải cứu gần 1.400 lao động bị ép thực hiện các vụ lừa đảo tiền điện tử.
Bà Michelle Sabino- phát ngôn viên của Đội Phòng chống tội phạm mạng thuộc Lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines cho biết: "Trong số các nạn nhân chúng tôi tiếp cận, họ được tuyển dụng trực tuyến và đưa đến Philippines với việc được cung cấp vé máy bay, chỗ ăn chỗ ở miễn phí và tất cả các chi phí khác. Tuy nhiên khi đến nơi làm việc, những người này sẽ buộc phải học quy trình để thực hiện các vụ lừa đảo trên mạng. Họ phải trò chuyện với những người chủ yếu ở Mỹ, Liên minh châu Âu hay Canada để thuyết phục về cơ hội kinh doanh, thậm chí thiết lập các mối tình online để dụ dỗ người chơi".
Cũng như ở Philippines, các nước Đông Nam Á cũng đã thực hiện hàng loạt chiến dịch truy quét nhằm vào loại hình tội phạm nguy hiểm và phức tạp này. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các chính phủ cần tiến hành đồng loạt nhiều biện pháp đấu tranh, phòng chống mua bán người và tăng cường hợp tác quốc tế về vấn đề này.
Nạn buôn người nhìn chung là kết quả của nghèo đói, bất bình đẳng và thiếu cơ hội phát triển kinh tế. Từ năm 2013, Liên Hợp Quốc xác định mua bán người là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới và ngày 30/7 hằng năm được tổ chức này chọn là Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người.
Ngọc Tuấn