Ở DN có trên dưới 37.000 lao động này, 25 năm qua chưa chậm trả lương NLĐ dù chỉ một ngày, chưa từng nợ tiền BHXH, BHYT; còn kinh phí công đoàn cứ đều đặn đến hẹn trích chuyển không thiếu một đồng. Trong DN FDI ấy, từ ban lãnh đạo gồm những người Hàn Quốc đến Hội đồng điều hành gồm 7 thành viên người Việt Nam và hầu hết NLĐ đều chung tâm niệm: Dù khó khăn đến đâu cũng không bỏ rơi nhau...
Sẻ chia khó khăn
DN đó chính là Công ty Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Giữa tháng 11, chúng tôi có dịp thăm xưởng sản xuất đầu tiên (hoạt động từ tháng 8/1995) của DN này. Đến nay, xung quanh nhà xưởng đầu tiên ấy, những xưởng sản xuất giày tương tự đã phủ kín khu vực rộng khoảng 35ha.
Lãnh đạo Công đoàn Chang Shin Việt Nam chia sẻ quá trình chăm lo đời sống NLĐ với PV Tạp chí BHXH
Cùng đi với chúng tôi là Chủ tịch Công đoàn Công ty, ông Đặng Tuấn Tú, một trong 7 thành viên người Việt thuộc Hội đồng điều hành nhà máy. Ông Tú làm việc tại DN này từ năm 1996 với hình thức đa nhiệm, vừa quản lý kỹ thuật vừa kiêm phụ trách công đoàn. DN dần lớn mạnh theo năm tháng, NLĐ ngày càng đông, nhận thấy mô hình đa nhiệm không còn phù hợp nên những người Hàn Quốc đã đề nghị ông Tú mô hình đơn nhiệm, chuyên trách công đoàn để toàn tâm toàn ý chăm lo tốt nhất đời sống NLĐ. Gắn bó với NLĐ Chang Shin Việt Nam từ bấy đến nay, ông Tú trải lòng với chúng tôi rằng, anh chị em công nhân chưa bao giờ nhận thiếu, nhận chậm một đồng lương nào. Nếu ngày nhận lương rơi vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc Lễ, Tết, chắc chắn NLĐ sẽ nhận được phần lương của mình vào thứ 5 hoặc thứ 6, hay những ngày cận Lễ, cận Tết.
Ông Tú chia sẻ, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đơn hàng thiếu hụt, nguồn cung nguyên liệu sụt giảm, thị trường co hẹp..., những người lãnh đạo, điều hành DN với trên dưới 37.000 NLĐ phải họp bàn rất nhiều. Sau khi điểm qua các phương án xử lý tình huống đau đầu này, đồng thời đưa lên bàn cân giữa bài toán kinh tế “thu hẹp để cắt lỗ” và trách nhiệm “bảo lưu truyền thống tốt đẹp” mà DN nỗ lực xây dựng, lãnh đạo Chang Shin Việt Nam đã “chốt hạ” rằng, dù khó khăn cỡ nào cũng không thể bỏ rơi NLĐ. Với tinh thần ấy, Chang Shin Việt Nam trước vẫn đảm bảo đời sống NLĐ khi tạm nghỉ (hưởng mức lương tối thiểu 170.000đ/ngày hoặc nghỉ phép năm có hưởng lương, tùy NLĐ chọn), sau vẫn bảo đảm đầy đủ quyền lợi NLĐ theo Luật định về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. “Ngay cả trong thời gian cao điểm dịch bệnh COVID-19 tác động cũng như hiện nay, Chang Shin Việt Nam vẫn trước sau như một không để nợ lương NLĐ, nợ cơ quan BHXH và không nợ cả kinh phí công đoàn để NLĐ yên tâm cống hiến”- ông Tú chia sẻ thêm.
Sự thấu hiểu, sẻ chia giữa DN và NLĐ đã giúp 2 bên “trụ vững” trước dịch bệnh. Bắt đầu từ tháng 8/2020, dịch bệnh tạm lắng, đơn hàng dần trở lại. Song, khó khăn vẫn còn phía trước, bởi COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề đến những quốc gia vốn là thị trường tiêu thụ hay những quốc gia cung ứng nguyên liệu sản xuất... Hành trình sẻ chia khó khăn vượt qua COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Dù vẫn còn NLĐ phải tạm nghỉ việc, song tiếng máy bên trong các xưởng sản xuất ở Chang Shin Việt Nam vẫn vang đều...
“Của để dành”
Bắt đầu từ năm 2012, đã có NLĐ ở Chang Shin Việt Nam về hưu. Tính đến nay đã có hơn 400 NLĐ đang hưởng lương hưu nhờ sự tuân thủ triệt để chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của DN chuyên sản xuất giày này. Đây chính là “của để dành” đối với NLĐ sau thời gian gắn bó, đồng hành cùng Công ty.
Chủ tịch Công đoàn Đặng Tuấn Tú cùng anh chị em công nhân Chang Shin Việt Nam
Sự thấu hiểu của DN cộng với nỗ lực chăm lo từng chút một đời sống NLĐ của công đoàn đơn vị này đã “biến” Chang Shin Việt Nam trở thành một loại “của để dành” khác: Một địa chỉ tin cậy để giới thiệu con, em đến làm việc mưu sinh. Rất nhiều công nhân ở Chang Shin Việt Nam là thế hệ thứ 2. Và cũng không ít nhân sự bậc cao tại DN FDI này là con, em của NLĐ, những người đã chăm chỉ, trực tiếp làm ra những đôi giày đẹp và chắt chiu đồng lương của mình để con em có cơ hội học hành. Không chỉ gắn bó bản thân, NLĐ ở Chang Shin Việt Nam còn muốn nhiều người trong gia đình chọn nơi đây làm bệ đỡ cho cuộc mưu sinh.
Ở Chang Shin Việt Nam vẫn còn một loại “của để dành” khác đậm dấu ấn từ Chủ tịch Công đoàn Đặng Tuấn Tú. Chứng kiến những anh chị em công nhân, có người từ các tỉnh phía Bắc xa xôi, không may mắc trọng bệnh hoặc tai nạn giao thông qua đời khiến hậu sự rất khó khăn về nhiều mặt, ông Tú đề xuất một hình thức tương trợ rất hữu ích: Mỗi NLĐ góp 5.000 đồng để sẻ chia sự mất mát của gia đình đồng nghiệp. Với số lao động toàn DN rất lớn, số tiền góp được để giúp đồng nghiệp lên đến hàng trăm triệu đồng. “Chuyện này được công đoàn khởi sự từ năm 2003. Lúc đó góp 5.000 đồng/NLĐ. Trong năm đó có 3 trường hợp NLĐ mất, mỗi trường hợp được sẻ chia hơn 23 triệu đồng. Số lượng NLĐ dần tăng nên những năm tiếp theo số tiền sẻ chia cũng tăng dần. Đến năm 2011, với mỗi trường hợp không may, số tiền sẻ chia đã hơn vượt mốc 100 triệu đồng. Từ năm 2017 thì công đoàn đề xuất mỗi khi hữu sự, mỗi người góp 7.000 đồng nên mỗi trường hợp không may được sẻ chia hơn 180 triệu đồng. Đến năm 2020 thì số tiền sẻ chia cho mỗi trường hợp như vậy đã hơn 250 triệu đồng”- ông Tú thông tin thêm.
Rủi ro là chuyện không ai mong muốn, nhưng chúng vẫn cứ đến. Và khi không tránh được rủi ro, bằng tấm lòng, NLĐ ở Chang Shin Việt Nam đã giúp nhau được nhiều điều. Bởi vậy, không chỉ NLĐ đang còn làm việc mà nhiều người sau khi đã về hưu vẫn tích cực hưởng ứng. Hồi năm 2012 có 39 NLĐ ở Chang Shin Việt Nam sau khi về hưu vẫn tham gia chương trình tương trợ nghĩa tử, nghĩa tận. Đến nay, đã có 362 NLĐ về hưu tham gia chương trình.
Đỗ Bá
Chang Shin Việt Nam hiện thu nhận và bố trí việc làm rất phù hợp cho 360 người khuyết tật đến từ rất nhiều địa phương ngoài tỉnh Đồng Nai. Mức lương dành cho những lao động đặc biệt này ngang bằng với những lao động khác. Các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng được đảm bảo đầy đủ theo quy định… Với những đóng góp về kinh tế, về an sinh xã hội trên địa bàn Đồng Nai suốt thời gian qua, tháng 10/2020, Chang Shin Việt Nam đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng II.