Đại diện BHXH quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa cho biết, Công ty CP Tập đoàn Haprosimex (số 22, phố Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã truy nộp toàn bộ số tiền BHXH còn nợ từ tháng 7/2011 đến nay.
Theo đó, sáng 28/6, Công ty CP Tập đoàn Haprosimex (Công ty Haprosimex) đã chuyển vào tài khoản của BHXH quận Hoàn Kiếm hơn 4,389 tỷ đồng. Như vậy, đến thời điểm này, Công ty Haprosimex đã truy nộp toàn bộ số nợ BHXH hơn 12 năm của NLĐ (khoảng 15 tỷ đồng). “Phía cơ quan BHXH sẽ tiến hành chốt sổ BHXH cho 84 NLĐ còn lại của Công ty Haprosimex trong thời gian sớm nhất để đảm bảo quyền lợi cho họ”- đại diện BHXH quận Hoàn Kiếm thông tin.
Công ty Haprosimex truy nộp nốt số tiền hơn 4,3 tỷ đồng vào quỹ BHXH
Trước đó, đầu tháng 3/2023, NLĐ tại phân xưởng may thuộc Nhà máy Dệt kim Haprosimex (KCN Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty Haprosimex đã phản ánh tới các cơ quan chức năng về việc Công ty nợ lương từ tháng 1/2017 và nợ BHXH từ tháng 7/2011 của hơn 500 NLĐ. Đặc biệt, do Công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản mặc dù con của họ đã lớn; có 2 trường hợp NLĐ chẳng may tử vong nhưng đến thời điểm ngày 3/2/2023, gia đình của họ cũng chưa nhận được chế độ tử tuất…
Được biết, Công ty Haprosimex tiền thân là Liên hiệp các HTX tiểu thủ công nghiệp Hà Nội, qua nhiều lần chuyển đổi với các tên gọi: Công ty Sản xuất-Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, rồi thành Công ty TNHH MTV Haprosimex. Giai đoạn 2011-2016, khi còn là DN nhà nước, việc sản xuất kinh doanh thua lỗ, nợ ngân hàng, âm vốn chủ sở hữu, nên NLĐ tại đây bị nợ lương, nợ BHXH kéo dài.
Trước tình trạng trên, ngày 1/9/2016, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 4798/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án tái cơ cấu chuyển đổi Công ty TNHH MTV Haprosimex thành công ty cổ phần. Tại thời điểm này, giá trị thực tế DN được xác định trên 391 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước âm 264,7 tỷ đồng.
Quyết định nêu rõ, Công ty TNHH MTV Haprosimex có trách nhiệm bố trí nguồn thanh toán khoản nợ lương, BHXH và các khoản đóng góp khác cho NLĐ. Thời điểm chuyển sang công ty cổ phần, nếu chưa thanh toán, bàn giao công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa để thực hiện chi trả lương, đóng BHXH và các khoản đóng góp khác của NLĐ theo quy định.
Hàng chục NLĐ đòi quyền lợi BHXH tại trụ sở Công ty Haprosimex hồi đầu tháng 3/2023
Về phương án tài chính, Quyết định cũng nêu rõ: “Từ thời điểm xác định giá trị DN 0 giờ ngày 1/7/2015 đến thời điểm Công ty TNHH MTV Haprosimex chính thức chuyển thành công ty cổ phần (thời điểm cấp giấy đăng ký DN công ty cổ phần), nếu Công ty TNHH MTV Haprosimex có phát sinh lỗ (nợ lãi vay phát sinh, xử lý nợ phải thu khó đòi, chi phí trợ cấp mất việc làm cho NLĐ nghỉ việc theo quy định, tiền thuê đất, nợ phải trả nhà nước, nợ lương, BHXH của NLĐ...), Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện xử lý lỗ và tồn tại tài chính (nếu có)”.
Quyết định là vậy, còn trên thực tế từ năm 2017- khi Công ty TNHH MTV Haprosimex tiến hành cổ phần hóa và Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nắm giữ 99,79% vốn điều lệ, thì việc chi trả nợ lương, đóng BHXH cho NLĐ bị “ngó lơ”. Do đó, gần 500 NLĐ phải nghỉ việc, trong khi Công ty không ký quyết định chấm dứt HĐLĐ.
Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, trong đó có BHXH TP.Hà Nội, đến ngày 15/4/2023, Công ty Haprosimex đã trả hơn 10 tỷ đồng tiền nợ BHXH (còn nợ gần 4,4 tỷ đồng). Sau đó, cơ quan BHXH đã tách đóng, chốt sổ cho hơn 400 NLĐ, chỉ còn lại hơn 80 NLĐ chưa được chốt sổ BHXH. Ngày 28/6/2023, Công ty đã chuyển nốt số tiền 4,389 tỷ đồng vào tài khoản của cơ quan BHXH. Như vậy, tại thời điểm này, Công ty Haprosimex đã truy đóng toàn bộ số tiền nợ BHXH kéo dài hơn 12 năm của NLĐ. Đây thực sự là tin vui của nhiều NLĐ sau bao năm mòn mỏi đòi quyền lợi.
Thanh Hằng