Trong báo cáo công tác tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024 gửi Bộ GD-ĐT và UBND Thành phố, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn về thiếu trường, lớp ở bậc THPT nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn.
Báo cáo nêu rõ, do sự tăng dân số cơ học hàng năm, số học sinh dự tuyển vào lớp 10 trên địa bàn tăng nhanh. Trong khi đó, số trường, lớp bổ sung, xây mới chưa đáp ứng kịp thời cho người dân Thủ đô. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội, Sở GD-ĐT đã nỗ lực để đảm bảo tỷ lệ học sinh vào học tại các trường THPT khoảng 60%, đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-CP và Quyết định số 6522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để công tác tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn trong thời gian tới được công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tạo thuận lợi cho người dân và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô, Sở GD-ĐT Hà Nội kiến nghị Bộ GD-ĐT tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cho phép Sở GD-ĐT Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận, một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành từ năm học 2023-2024.
Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT xây dựng các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng hàng năm, trung hạn làm căn cứ để các địa phương thực hiện.
Đồng thời, UBND TP.Hà Nội và các quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Hiện nay, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, mua sắm, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của nhiều cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng đào tạo của thị trường lao động Thủ đô, đặc biệt đối với những ngành nghề mới, đòi hỏi công nghệ cao theo nhu cầu của xã hội.
Cũng theo Sở GD-ĐT Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, thành phố đã phê duyệt 7 dự án xây dựng và thành lập mới trường THPT trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân sau khi hoàn thành chương trình THCS tại các quận, huyện: Thạch Thất, Đan Phượng, Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh. Trong giai đoạn này, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư cho một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Với sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội, Sở GD-ĐT cho rằng, đến năm 2025 sẽ cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu cơ sở vật chất của các trường THPT công lập trên địa bàn.
Sở cũng đề xuất một số giải pháp để đáp ứng nhu cầu chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn năm học 2023-2024 và các năm tiếp theo, đó là: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường THPT công lập giai đoạn 2021-2025 đã được UBND Thành phố ghi vốn các kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp theo Quyết định số 3075/QĐ-UBND và trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp học; tham mưu cho UBND Thành phố thu hồi các dự án chậm tiến độ trong việc xây dựng trường học giao lại cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường học công lập.
Đồng thời, đề xuất xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp. Thành phố tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường trung cấp, cao đẳng và đại học ra khỏi khu vực nội đô để ưu tiên quỹ đất xây trường học công lập, đặc biệt tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT Hà Nội còn đề xuất tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận, huyện, thị xã theo 12 khu vực trên địa bàn, nhằm điều hòa hợp lý, đảm bảo chỗ học cho học sinh. Đồng thời, công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, huy động nguồn lực xã hội, tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến khích các DN, tổ chức và các cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài để nhằm giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học.
T.Hà