Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), 22,9 triệu người Indonesia không đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu hằng ngày của họ vào năm 2023. Ngoài ra, số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tỷ lệ nghèo ở Indonesia ở mức khoảng 9% (số liệu năm 2022).
Để giải quyết nạn đói và mất an ninh lương thực trong nước, Chính phủ Indonesia đã và đang rất nỗ lực để giúp đỡ cá nhân, hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính có thể tiếp cận nhiều hơn với lương thực, thực phẩm theo nhiều phương thức phân phối.
Theo phương thức phân phối truyền thống, từ năm 1998, Chính phủ Indonesia đã phát triển Chương trình Viện trợ lương thực Rastra, mục tiêu “bao phủ” khoảng 15 triệu hộ gia đình đói nghèo. Vào thời điểm đó, Chương trình Rastra cung cấp cho mỗi hộ gia đình một bao gạo 10 kg/tháng. Quy trình hỗ trợ là Chính phủ xuất gạo hỗ trợ hộ gia đình cho địa phương, còn chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm phân phối gạo cho hằng tháng. Tuy nhiên, hệ thống phân phối không phải không có sai sót. Theo USAID, “với quy trình này, chỉ có 24% hộ gia đình đủ điều kiện nhận được số lượng gạo theo Chương trình; trong khi đó, một phần gạo lại được trao cho một số hộ gia đình không đủ điều kiện chính thức tham gia chương trình”. Như vậy, phương thức phân phối truyền thống được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả và chỉ thành công một phần so với kỳ vọng.
Khoảng 5 năm trước, năm 2017, Chính phủ Indonesia đã giới thiệu một phương thức phân phối hiện đại hơn. Đó là cho phát hành thẻ ghi nợ, nguyên lý hoạt động như một phiếu mua lương thực, thực phẩm kỹ thuật số, để hộ gia đình đói nghèo “chủ động mua thực phẩm thay vì bị động dựa vào kênh phân phối của Chính phủ”. Theo nhận định của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT): “Vào năm 2017, Chính phủ Indonesia quyết định thí điểm hệ thống thẻ ghi nợ. Tại một số cửa hàng trong danh sách, người dân có thể dùng thẻ ghi nợ để mua lương thực, thực phẩm với mức giá trị tương đương với giá tiền bao gạo 10 kg. Trên thực tế, theo nghiên cứu, khảo sát từ MIT, ngay từ khi áp dụng, đã có 81% hộ gia đình đói nghèo ở Indonesia nhận được toàn bộ số lượng viện trợ lương thực mà Chính phủ hỗ trợ cho họ.
Như vậy, phương thức phân phối lương thực, thực phẩm bằng thẻ ghi nợ có thể nói đã thành công cho đến thời điểm hiện tại. Việc sử dụng thẻ ghi nợ để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và thực hiện mục tiêu của Chương trình Rastra đã giúp giảm tỷ lệ nghèo chung cho 15% hộ gia đình nghèo nhất ở Indonesia xuống khoảng 20% trong vòng 5 năm. Hơn nữa, theo Chỉ số đói nghèo toàn cầu, từ năm 2014 đến năm 2022, tình trạng suy dinh dưỡng trong dân số Indonesia nói chung giảm từ 7,9% xuống 6,5% và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể còi cọc ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ khoảng 36% xuống 30%. Đồng thời, phương thức phân phối sáng tạo này của Indonesia có thể trở thành mô hình để áp dụng ở nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Vì, có thể giúp tăng cường tác động và phạm vi tiếp cận của các chương trình viện trợ lương thực, nhằm đảm bảo ASXH cho người dân và giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn quốc.
Tùng Anh (Theo MIT News)