Tính đến ngày 30/6/2023, Bình Dương có trên 4.100 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ sau TP.HCM.
Số liệu báo cáo của Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương về tình hình thu hút vốn đầu tư FDI 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, bất chấp trước khó khăn, thách thức của nền kinh tế toàn cầu, Bình Dương tiếp tục tạo được niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bình Dương, trong đó dự án đầu tư mới lớn nhất thuộc Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) với vốn đầu tư hơn 163 triệu USD, chiếm 16,7% tổng vốn đăng ký. Về góp vốn mua cổ phần, Hà Lan đứng đầu với 2 dự án có vốn 321,5 triệu USD, chiếm 33% tổng vốn đăng ký; tiếp theo lần lượt là Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Hoa Kỳ... Lũy kế đến ngày 30/6/2023, có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Trong đó 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Samoa, Hàn Quốc, British VirginIslands, Hồng Kông, Trung Quốc, Đan Mạch, Hoa Kỳ có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,57 tỷ USD, chiếm 84% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Đài Loan đứng đầu với 870 dự án có tổng số vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD, chiếm 21% về số dự án và 16% về số vốn. Nhật Bản đứng thứ 2 với 346 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 5,9 tỷ USD, chiếm 8% về số dự án và 15% về số vốn. Singapore đứng thứ 3 với 283 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,53 tỷ USD, chiếm 7% về số dự án và 14% về số vốn. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Bình Dương đã thu hút trên 967 triệu USD với 45 dự án mới, 20 dự án điều chỉnh tăng vốn và 70 dự án góp vốn mua cổ phần. Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh Bình Dương có trên 4.100 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 40 tỷ đô la Mỹ. Với con số trên tỉnh Bình Dương đang đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sau TP.HCM.
Theo ông Mai Hùng Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương: Kết quả này cũng là nhờ tỉnh luôn chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN, nhà đầu tư nước ngoài, tập trung giải quyết hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay. Tỉnh Bình Dương lương lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các DN. Vì vậy tại các buổi gặp gỡ, tiếp xúc với các DN, nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh luôn chỉ đạo các sở, ngành chuyên trách tích cực cùng phối hợp, hỗ trợ DN, nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất hiệu quả hơn nữa, đồng thời triển khai các dự án mới nhanh chóng, thuận lợi nhất.
“Trong quá trình phát triển kinh tế của tỉnh, các DN FDI luôn là nguồn ngoại lực có vai trò, vị trí đặc biệt. Vì thế, Bình Dương luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN FDI hoạt động hiệu quả. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, nhiều giải pháp thu hút dòng vốn FDI có chất lượng đang được Bình Dương tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, sẽ vẫn tập trung theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tập trung phát huy lợi thế môi trường đầu tư ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh”- ông Dũng cho biết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành thông tin, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cá nhân, tổ chức, DN, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của tỉnh (Tổ công tác 2266); ban hành quy chế phối hợp hoạt động, phân công thành các nhóm phụ trách địa bàn các huyện, thị, thành phố và theo khu, cụm công nghiệp nhằm chủ động tiếp cận, nắm bắt thông tin, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của cá nhân, tổ chức, DN. Cụ thể, Ban Quản lý các KCN tỉnh phụ trách đối với DN trong KCN, Sở Công thương phụ trách đối với các DN trong cụm công nghiệp, Sở KH-ĐT tư phụ trách đối với DN ngoài khu, cụm công nghiệp.
Lê Văn