Các nhà khoa học ở Pháp vừa phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, được gọi là IHU hoặc B.1.640.2. Biến thể này chứa tới 46 đột biến, nên nó có khả năng tránh vắc-xin cao hơn và dễ lây lan hơn chủng gốc.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 của 12 bệnh nhân sống cùng một khu vực ở Pháp, các chuyên gia nhận thấy chủng virus mà nhóm bệnh nhân này nhiễm có những đặc điểm khác thường. Nó có tới 46 đột biến, gây lo ngại IHU có khả năng kháng các loại vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay, dù có vẻ không lây lan nhanh bằng biến thể Omicron.
Do ca F0 đầu tiên trong nhóm trên vừa trở về sau chuyến đi đến Cameron, nhóm nhà khoa học dự đoán IHU có thể bắt nguồn từ quốc gia Châu Phi. Ngày 4/1, phát biểu trước báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ), Giám đốc quản lý sự cố của WHO Abdi Mahamud thừa nhận, biến thể mới "đã nằm trong tầm ngắm của chúng tôi" và có dấu hiệu tích cực là IHU không lây lan nhanh. Một biến thể được WHO xếp vào diện đáng lo ngại khi có nguy cơ nghiêm trọng, chẳng hạn như Omicron và Delta.
Giới chuyên gia quốc tế cũng đã cân nhắc hạ thấp rủi ro do IHU gây ra, với nhiều người tin rằng, nó có thể đã bị Omicron "đè bẹp". Trong số này có tiến sĩ Tom Peacock, nhà virus học của Đại học Hoàng gia London, một trong những người đầu tiên cảnh báo về biến thể Omicron vào cuối năm 2021. Ông giải thích trên Twitter rằng, IHU "thực sự có trước Omicron" và "trong ngần ấy thời gian có chính xác 20 chuỗi so với hơn 120.000 chuỗi của Omicron trong thời gian ngắn hơn", chứng tỏ đây "không phải là một chuỗi đáng lo ngại quá nhiều" tại thời điểm này.
Thử nghiệm của các nhà khoa học Pháp đã phát hiện IHU mang đột biến N501Y- lần đầu tiên được nhìn thấy ở biến thể Alpha và các chuyên gia y tế tin đột biến này có thể làm cho nó dễ lây truyền hơn, và đột biến E484K, có thể giúp virus kháng vắc-xin cao hơn.
Theo các nhà khoa học, đây là "một ví dụ khác về sự xuất hiện không thể đoán trước được của các biến thể SARS-CoV-2 và sự du nhập của chúng ở một khu vực địa lý nhất định từ nước ngoài".
Thông tin về biến thể IHU được đưa ra khi Omicron tiếp tục khuấy đảo thế giới bằng tốc độ lây lan nhanh khiến số ca nhiễm tăng vọt. Trong tuần qua, hơn 4,9 triệu ca nhiễm được ghi nhận ở 52 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Âu, cao chưa từng có kể từ khi đại dịch bắt đầu. Mỹ hôm 3/1 cũng thiết lập kỷ lục thế giới với hơn 1 triệu ca nhiễm trong một ngày đơn lẻ.
Cũng trong cuộc họp báo ở Geneva, ông Abdi Mahamud đã cung cấp "tin tốt lành" về Omicron khi khẳng định, ngày càng có bằng chứng cho thấy biến thể này chỉ ảnh hưởng đường hô hấp trên và gây triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2.
"Chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Omicron tấn công đường hô hấp trên của cơ thể. Điều này không giống như những biến thể khác có thể gây viêm phổi nặng"- ông Mahamud nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia WHO khuyến cáo, mức độ lây lan cao của Omicron có nghĩa là nó có thể trở thành biến thể thống trị đại dịch ở nhiều nơi trong thời gian tới, tạo ra mối đe dọa ở những nước có tỷ lệ dân số cao chưa tiêm vắc-xin.
Thông tin mà ông Mahamud đưa ra trùng với kết luận của một nghiên cứu mới đây từ Nam Phi, một trong những nước đầu tiên phát hiện Omicron. Cụ thể, dữ liệu về số người nhiễm Covid-19 phải nhập viện và tử vong trong đợt dịch thứ 4 ở nước này cho thấy nguy cơ bệnh trở nặng thấp hơn so với các biến thể trước.
Khi được hỏi liệu có cần đến một loại vắc-xin chuyên biệt để phòng ngừa Omicron không, Abdi Mahamud thừa nhận còn quá sớm để khẳng định điều gì. Ông nhấn mạnh, một quyết định như vậy đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu và không nên để cho ngành thương mại tự hành động.
Hoàng Dương