Hệ thống ASXH tại Lào nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, với mục tiêu cải thiện điều kiện sống và đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Ngày 1/6/2001, Tổ chức ASXH (SSO) do Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào quản lý, được thành lập theo Nghị định về ASXH ngày 23/12/1999. Mục đích của Nghị định về Hệ thống ASXH cho NLĐ trong các DN là xác lập các nguyên tắc, quy định, tổ chức, quy trình và biện pháp nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ và lợi ích hợp pháp của họ với mục tiêu cải thiện điều kiện sống và đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Nhiệm vụ của SSO là thu thập và ghi lại các đóng góp của NLĐ và chủ SDLĐ; cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, các chế độ ngắn hạn, chế độ tai nạn lao động và các chế độ dài hạn cho NLĐ làm việc trong các DN Nhà nước, DN tư nhân, liên doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Nghị định về ASXH áp dụng cho tất cả các DN tuyển dụng từ 10 lao động trở lên và chỉ áp dụng cho các DN tuyển dụng dưới 10 lao động khi những lao động này thuộc chi nhánh của một DN lớn hơn. Khi các DN tuyển dụng từ 10 lao động trước đây đã tham gia BH, sau đó số lương lao động giảm thì những DN đó vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.
Có thể nói, từ khi Nghị định ASXH ra đời, mạng lưới ASXH ở Lào mới được quy định cụ thể và cung cấp BHXH cho các đối tượng nhất định. Hệ thống này bao phủ tới các DN tư nhân và DN Nhà nước có từ 10 nhân viên trở lên và người về hưu. Công chức, cảnh sát và lực lượng vũ trang được bao phủ bởi một hệ thống đặc biệt. Còn BH tự nguyện có sẵn cho công nhân ở các DN nhỏ hơn.
Trên cơ sở đó, Quỹ ASXH Lào được đóng góp bởi cả người NLĐ và người SDLĐ. Thu nhập hàng tháng tối thiểu được sử dụng để tính các khoản đóng góp là 348.000 kip (khoảng 40 USD), con số thu nhập hàng tháng tối đa được sử dụng để tính khoản đóng góp là 1.500.000 kip (khoảng 185 USD). NLĐ sẽ được nhận trợ cấp hưu bổng khi đến tuổi 60 hoặc cũng có thể được hoãn lại cho đến 65 tuổi. Trong trường hợp hưởng lương hưu sớm, NLĐ sẽ bị giảm 0,5% lương hưu cho mỗi tháng nghỉ sớm. Nếu kéo dài thời gian làm việc, lương hưu sẽ được tăng 0,5% cho mỗi tháng làm việc. Quyền lợi hưởng được điều chỉnh ít nhất mỗi năm một lần theo những thay đổi trong thu nhập trung bình của tất cả những người được bảo hiểm… Đến cuối tháng 12/2016, mức lương cơ bản tối đa mà NLĐ được hưởng lên đến 2.000.000 kip (khoảng 245 USD) cho mỗi tháng. Kể từ ngày 1/1/2017, số tiền này đã được nâng lên 4.500.000 kip (khoảng 550 USD) mỗi tháng.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào, số người tham gia BHXH, BHYT tại Lào còn thấp, việc thực thi chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT chưa nghiêm nên Lào chú trọng đến việc cải cách hệ thống pháp lý về BHXH, BHYT nói riêng và ASXH nói chung.
Còn mới đây, Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào cho biết đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nước này tăng cao, với hơn 400.000 người bị mất việc hoặc chưa tìm được công việc mới. Đặt gánh nặng lên hệ thống ASXH tại Lào. Đại dịch Covid-19 khiến lượng lớn nhà máy, nhà xưởng đóng cửa. Diễn biến đó làm giảm quy mô sản xuất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lực lượng lao động và làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia Đông Nam Á này. Bất chấp các nỗ lực của Chính phủ Lào về nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch, nhiều hoạt động kinh doanh tại nước này chưa được khôi phục hoàn toàn. Đây là lý do chính đẩy tỉ lệ thất nghiệp của Lào tăng từ 9,24% lên tới 21,8% trong năm 2021. Đại dịch Covid-19 khiến 439.082 người lao động Lào trong và ngoài nước bị mất việc hoặc phải ngừng làm việc, trong đó bao gồm 56.918 người trở về từ nước ngoài.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ Lào đặt mục tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp xuống 19,4% trong năm 2022 thông qua việc hỗ trợ DN phục hồi, đào tạo nâng cao tay nghề và bố trí việc làm mới cho NLĐ.
Thủy Hà