Sau khi rà soát lại hàng loạt việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM, mới đây, trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ đã phát hiện có nhiều dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Trong đó, có một loạt dự án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được nhắc tên và đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra.
Dự án cao ốc VTP của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát: Đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra
Có nhiều dự án vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng- đó là nội dung trong Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về việc chuyển đổi một số nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM, riêng với Dự án cao ốc VTP vi phạm Luật Đất đai. Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, vị trí nhà đất tại địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư là tài sản công và việc giải quyết phải được thể hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt.
Cao ốc VTP Office Building của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Cao ốc VTP do Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) làm chủ đầu tư với tổng diện tích đất 1.954m2, tại địa chỉ 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM). Khu đất này có nguồn gốc là đất của Nhà nước. Khu đất trước đây là Khách sạn Vạn Xuân, được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cấp phép xây dựng cho Liên hiệp Dịch vụ sản xuất thương mại, thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn. Vì thế, Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật.
Cụ thể về khu đất này như sau: Ngày 30/7/1994, UBND TP.HCM có quyết định chuyển giao tài sản cố định gồm khu nhà số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo cho Công ty Dịch vụ và Thương mại TP.HCM. Ngày 24/12/1999, UBND TP.HCM ban hành văn bản chỉ đạo, chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty Dịch vụ và Thương mại TP.HCM và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cho phép Công ty Dịch vụ và Thương mại TP.HCM chuyển nhượng phần góp vốn trong Khách sạn Vạn Xuân trị giá 587.332 USD cho Công ty Vạn Thịnh Phát. Đến năm 2006, UBND TP.HCM có Quyết định số 480/QĐ-UBND, chấp thuận cho Vạn Thịnh Phát được thuê đất sản xuất kinh doanh tại địa chỉ trên, với diện tích 1.985m2, mục đích cho thuê để làm khách sạn và văn phòng, thời hạn cho thuê đến hết năm 2020.
Sau khi tiến hành rà soát, Thanh tra Chính phủ kiểm tra đã phát hiện chi tiết UBND TP.HCM không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định, điều này đã dẫn đến làm giảm giá trị tiền sử dụng đất phải nộp 1,191 tỷ đồng. Nhất là việc TP.HCM áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20ha, chính vì thế đã làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng… Tính đến thời điểm thanh tra, dự án này đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở của công ty, văn phòng cho thuê VTP Office Building.
Chính vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị: “Vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt. Do đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thất thoát tài sản nhà nước, thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của Nhà nước”.
Đề nghị kiểm tra nhiều dự án của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Một số dự án khác của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được nhắc đến như: Dự án khu tứ giác Nguyễn Huệ- Ngô Đức Kế- Hồ Tùng Mậu- Huỳnh Thúc Kháng (phường Bến Nghé, quận 1) cũng đã có trong bản công bố Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Dự án khu tứ giác Nguyễn Huệ- Ngô Đức Kế- Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng của Vạn Thịnh Phát
Dự án ban đầu do Nhà nước quản lý với hơn 2.815m2, tư nhân sở hữu hơn 8.342m2. Theo Sở KH-ĐT, đến nay nhà đầu tư đã thoả thuận, đền bù cho các hộ dân với diện tích 7.931m2. Có 2.019m2 nhà đất đầu tư đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty CP Đầu tư Vạn Thịnh Phát, 5.912m2 đất nhà đầu tư đã ký biên bản thoả thuận với các hộ dân.
Ngày 7/10/2016, sau khi liên danh Công ty Vạn Thịnh Phát và Công ty Larkball Holdings Limited có cam kết hỗ trợ ngân sách TP.HCM 20 triệu USD, UBND TP.HCM có văn bản chấp thuận tiếp tục thực hiện chủ trương chỉ định nhà đầu tư và giao Sở KH-ĐT tổ chức thực hiện các thủ tục theo đúng quy định. UBND TP.HCM và các sở, ngành đã triển khai các bước về chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án này, vì Dự án khu tứ giác- theo thông tin từ Thanh tra Chính phủ, đã và đang triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2008.
Trong đó, đã thực hiện nhiều thủ tục đầu tư như phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM; lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; lập phương án sơ bộ về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại khu đất thực hiện dự án; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt hồ sơ yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất của quận 1. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép UBND TP.HCM thực hiện chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án từ năm 2011.
Theo như thông tin sau khi rà soát, hiện tại, UBND TP.HCM chưa lựa chọn và chỉ định được nhà đầu tư để thực hiện. Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt để duyệt dự án đầu tư phù hợp và thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Đối với diện tích 2.815m2 đất thuộc sở hữu nhà nước, UBND TP.HCM phải thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập năm 1991, tiền thân là Công ty tư doanh Vạn Thịnh Phát; hiện có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng; sở hữu các khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị, thương mại, văn phòng cho thuê loại A, cao ốc căn hộ dịch vụ, khu dân cư chất lượng cao... Đến năm 2007, Tập đoàn này mở rộng kinh doanh qua việc tham gia thành lập 2 tập đoàn có quy mô lớn: Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng và Tập đoàn Đầu tư An Đông (An Dong Group) vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã cùng các công ty liên kết như Công ty CP Đầu tư Times Square VN, Tập đoàn Saigon Peninsula và các đối tác trong và ngoài nước khác.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các DN liên doanh, liên kết được nhớ đến khi sở hữu nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại TP.HCM- nhiều dự án tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ như: Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton; và hàng loạt dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, Khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence…
PV