Triển khai từ tháng 7/2020 đến nay, Dự án Happy Việt Nam đã khám tầm soát cho hơn 3.600 trẻ và tập huấn cho 1.300 giáo viên tiểu học, mẫu giáo, cho 3.600 phụ huynh học sinh và 200 nhân viên y tế. Những hoạt động trên đã góp phần giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng. Trong những năm gần đây, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao thì tỷ lệ thừa cân và béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang gia tăng dẫn đến thay đổi mô hình bệnh tật và tử vong (tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em hiện nay là 7,1%).
Khoá đào tạo “Tổng quan về tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ và các giải pháp” do Happy Việt Nam tổ chức tại THCS Đắk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
Dân số tăng nhanh cũng làm tăng thêm áp lực cho sự phát triển xã hội và kinh tế. Quá trình phát triển đô thị dẫn đến giảm đất nông nghiệp, giảm diện tích nuôi trồng lương thực, thực phẩm cung cấp cho nhân dân. Hàng năm, Việt Nam phải đối mặt với thiên tai bão lũ, hạn hán, dẫn đến tăng nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng và mất an ninh lương thực.
Khẩu phần ăn của người dân ở thành thị đã và đang thay đổi đáng kể từ chế độ ăn uống truyền thống sang một chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, tinh bột và các sản phẩm chế biến sẵn trong khi ở nông thôn và những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi vẫn còn một tỷ lệ người dân thiếu đói.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ thấp còi ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia Việt Nam, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi độ tuổi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23,2%, nghĩa là cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Báo cáo của Tổ chức UNICEF tại Việt Nam cho thấy: Sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng cũng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn. Hậu quả của tình trạng thấp còi đã dẫn đến những khó khăn nhất định, bao gồm: khó khăn trong học tập của trẻ, thu nhập người dân thấp, sự tham gia của cộng đồng hạn chế và năng suất cũng như tăng trưởng chung của đất nước bị cản trở.
Tỷ lệ thấp còi ở mức cao so với các quốc gia trong khu vực đã dẫn đến những bất lợi nhất định cho Việt Nam, bao gồm khó khăn trong học tập ở trẻ em, thu nhập người dân thấp, đồng thời kìm hãm năng suất phát triển và tăng trưởng chung của đất nước. Hiểu được thực trạng này, Tổ chức ASSIST đã triển khai Dự án Happy Việt Nam giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em từ tháng 7/2020 đến 7/2023, với sự đồng hành của Merck tại Việt Nam cùng Deutsche Investitions-und Entwicklungsgesellschaft (DEG), Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE).
Sau ba năm triển khai tại 7 tỉnh thành có tỷ lệ trẻ mắc bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng cao như: Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Nội và TP.HCM đã thu được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, dự án đã tổ chức khám, tầm soát cho hơn 3.600 trẻ và tập huấn cho 1.300 giáo viên tiểu học, mẫu giáo, cho 3.600 phụ huynh học sinh và 200 nhân viên y tế để giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.
Ông Cao Hồng Kỳ- Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Hà Giang chia sẻ: Đây là dự án thành công nhất ở Hà Giang mà Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh đã phối hợp các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế tài trợ cho tỉnh. Thông qua dự án này có hơn 105 giáo viên, 400 phụ huynh, cũng như 400 trẻ thuộc trường mầm non và trường tiểu học của hai xã thuộc huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang đã được khám tầm soát và đã được kiểm tra sức khỏe.
Dự án Happy Việt là dự án mẫu giúp nâng cao tầm vóc Việt nhằm tiếp tục giảm tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và cả nước nói chung; và góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về dinh dưỡng mà đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hà Hùng