BHXH Việt Nam vừa có Báo cáo tổng kết phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 gửi Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Tích cực tham gia và hưởng ứng các phong trào thi đua
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn thể CBVC và NLĐ trong ngành BHXH. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động, BHXH Việt Nam đã hưởng ứng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào, yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện gắn với các nhiệm vụ chính trị của Ngành, như: Phấn đấu đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,7% dân số vào năm 2020; triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển số người tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, người DTTS; thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo 100% người nghèo, người có công, người cao tuổi, người DTTS được cấp thẻ BHYT; đồng thời đề xuất các giải pháp vận động, quyên góp, ủng hộ phần kinh phí chưa được NSNN hỗ trợ để người thuộc hộ cận nghèo, HSSV, người thuộc diện chính sách xã hội được tham gia BHYT…
Tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
Đặc biệt, BHXH các tỉnh đã đưa chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo lồng ghép với chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ chính trị. Do đó, các tiêu chí xét khen thưởng của phong trào cũng là tiêu chí bình xét khen thưởng của toàn Ngành. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ người dân tham gia BHYT, nhất là các đối tượng có nhiều khó khăn, nhân dân ở các xã nghèo, các xã miền núi, người cao tuổi... qua đó duy trì ổn định bền vững đối tượng tham gia BHYT. Phối hợp với Ban Chỉ đạo giảm nghèo vận động, mở rộng đối tượng và tạo điều kiện cho nhân dân tham gia BHYT; chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", “xóa nhà tranh tre, dột nát”, “mái ấm Công đoàn”, Quỹ "Vì trẻ thơ"; đẩy mạnh giúp đỡ xã nghèo, huyện nghèo...
Cùng với đó, hàng năm, CBVC toàn Ngành tích cực tham gia và ủng hộ các hoạt động tình nghĩa, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào bị thiên tai lũ lụt; các gia đình chính sách, khó khăn... bằng nhiều hình thức như: Đóng góp tiền mua tặng thẻ BHYT cho hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách; ủng hộ bằng hiện vật, xây nhà tặng người nghèo; mua quà tặng các gia đình chính sách, nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ mua các vật dụng cho các xã nghèo; xây dựng đường; mua cây giống, con giống tặng các hộ nghèo... Cụ thể, đóng góp hơn 8 tỷ đồng và mua 3.300 thẻ BHYT hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp và hộ chính sách. Huy động nguồn lực, đóng góp giúp đỡ địa bàn nghèo, các hộ gia đình chính sách, các hộ nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn... với tổng số tiền mặt trên 41 tỷ đồng.
BHXH các địa phương cũng tham gia các hoạt động tặng quà, mua vật dụng phù hợp hỗ trợ các xã nghèo, người nghèo, học sinh nghèo và các gia đình chính sách. Đơn cử: Từ năm 2016 đến năm 2020, BHXH tỉnh Nghệ An đã trao tiền hỗ trợ xây dựng bản Na Lượng 1 (xã Hữu Kiệm) trở thành bản điểm trong phong trào giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tặng 6 máy lọc nước cho một số trường mầm non và trường tiểu học; tặng 10 quạt trần cho trường THCS, tặng sách, vở cho học sinh nghèo; tặng các suất quà cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh; tặng chăn, gối, màn cho học sinh nội trú…
Gắn thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị
Cũng theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa phương còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự vững chắc, chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khoảng cách. Trong khi đó, các chính sách giảm nghèo điều chỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều chưa được xây dựng đồng bộ, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao, nên khó khăn trong quá trình vận động tham gia BHYT. Nguồn vốn ngân sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo còn hạn hẹp. Tỷ lệ tham gia BHYT của người thuộc hộ gia đình làm nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức sống trung bình, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình vẫn còn chưa cao, nhất là các đối tượng lao động tự do, buôn bán nhỏ.
Vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
Đáng nói, việc đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, liên quan đến lợi ích trực tiếp của hộ nghèo đã làm mất đi động lực phát triển, tạo tâm lý không muốn thoát nghèo trong một bộ phận hộ nghèo... Đặc biệt, đối tượng người nghèo tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, vì kinh tế vẫn khó khăn; mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện thấp (người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 15.400 đồng/tháng).
Chính vì vậy, theo BHXH Việt Nam, các cấp, các ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chỉ đạo của cấp trên trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là việc xử lý những vấn đề mới, nhạy cảm và có nhiều vướng mắc như: Triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình, nhất là việc triển khai BHYT theo hộ gia đình; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT... Đặc biệt, việc triển khai các phong trào thi đua phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và phải được cụ thể hóa thành phong trào ngắn hạn của từng đơn vị, từng lĩnh vực công tác thực tế.
Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể tại địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân. Chú trọng nhân rộng điển hình tiên tiến, phổ biến sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình tiêu biểu để phong trào thi đua trở thành phong trào quần chúng, rộng khắp…
V.Thu