Hội đồng Tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc-xin (Bộ Y tế) khuyến cáo, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc-xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2, thì có thể sử dụng vắc-xin khác để tiêm mũi 2. Cụ thể, nếu tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin Pfizer hoặc Moderna; nếu tiêm mũi 1 vắc-xin Moderna thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin Pfizer và ngược lại.
Để thực hiện Chiến lược vắc-xin phòng Covid-19, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vắc-xin được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như: Công nghệ vector (AstraZeneca, Sputnik V), công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna), công nghệ bất hoạt (Sinopharm). Hiện, các nhà sản xuất đang nghiên cứu phát triển vắc-xin bằng những công nghệ khác nhau.
Thời gian qua, do tình hình khan hiếm vắc-xin, nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp hai loại vắc-xin cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vắc-xin sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vắc-xin véc tơ virus với vắc-xin mRNA, hoặc tiêm hai loại vắc-xin mRNA của các nhà sản xuất khác nhau... Theo Bộ Y tế, xuất phát từ thực tế, nhu cầu sử dụng vắc-xin nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch.
Do đó, Hội đồng Tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc-xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc-xin Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vắc-xin khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin Pfizer hoặc Moderna; nếu tiêm mũi 1 vắc-xin Moderna thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc-xin Pfizer và ngược lại.
Liên quan đến tình hình dịch Covid-19, ngày 9/9, cả nước ghi nhận thêm 12.420 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 12.399 ca trong nước. Các ca nhiễm mới trong nước được phát hiện tại 36 tỉnh, thành phố. Cụ thể: TP.HCM (5.549), Bình Dương (4.531), Đồng Nai (880), Long An (412), Tây Ninh (161), Kiên Giang (135), Tiền Giang (115), Khánh Hòa (77), Đắk Lắk (61), Cần Thơ (53), Quảng Bình (50), Bình Thuận (44), Đồng Tháp (41), Đà Nẵng (35), Hà Nội (35), Bình Định (29), An Giang (28), Bình Phước (20), Đắk Nông (19), Bà Rịa-Vũng Tàu (16), Thanh Hóa (15), Phú Yên (15), Bến Tre (12), Bạc Liêu (12), Quảng Nam (10), Sóc Trăng (9), Nghệ An (8 ), Gia Lai (7), Quảng Ngãi (6), Hưng Yên (4), Cà Mau (4), Bắc Ninh (2), Trà Vinh (1), Quảng Trị (1), Ninh Thuận (1), Bắc Giang (1). Đáng chú ý, trong số này có 6.138 ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận trong cộng đồng.
Như vậy, tính từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 576.096 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.856 ca nhiễm). Hiện, cả nước có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước, gồm: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
Về tình hình điều trị, trong ngày 9/9, cả nước có thêm 12.523 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 338.170 ca. Cùng ngày, Việt Nam đã ghi nhận thêm 272 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước ta lên 14.470 ca.
Quang Hùng