Lương và phúc lợi của Nhật Bản dành cho lao động nước ngoài cao nhất ở châu Á.
Đó là kết luận trong cuộc khảo sát thường kỳ "MyExpatriate Market Pay" của công ty dữ liệu ECA International. Khảo sát cho thấy, trong năm 2022, các công ty tuyển dụng phải bỏ ra số tiền 370.183 USD/năm cho một nhân viên sống làm và việc tại Nhật Bản nếu quy đổi theo giá hiện tại. Đây là con số cao nhất tại châu Á và thứ 2 trên thế giới, sau Anh.
Tại châu Á, đứng sau Nhật Bản là Ấn Độ với chi phí 354,028 USD. Các công ty cũng phải chi trung bình khoảng 313,011 USD khi gửi nhân viên tới Trung Quốc- quốc gia xếp vị trí thứ 3. Tại Hàn Quốc, con số này là 275,727 USD. Với mức phí trung bình là 258.762 USD, Singapore tăng sáu bậc lên vị trí thứ 16 về chi phí thuê lao động nước ngoài đắt đỏ nhất trên toàn cầu, xếp thứ 7 ở châu Á.
Cuộc khảo sát có tính đến tiền lương bằng tiền mặt, gói phúc lợi gồm chỗ ở, tiện ích và thuế nhằm đánh giá mức lương so với chi tiêu trên thị trường. Hơn 340 công ty và khoảng 10.000 người tham gia cuộc khảo sát này.
ECA International cho biết, mức lương cho người nước ngoài đã tăng trung bình 7% trên khắp châu Á từ năm 2021 đến năm 2022 khi tính bằng nội tệ. Chỉ ở Lào và Trung Quốc, lao động nước ngoài nhận được mức lương và các gói phúc lợi thấp hơn vào năm 2022 khi tính bằng nội tệ.
Lee Quane- Giám đốc khu vực châu Á của ECA International, chỉ ra việc tăng lương tính theo đồng nội tệ có thể là do lạm phát. "Một số công ty cung cấp khoản trợ cấp chi phí sinh hoạt để đảm bảo trang trải giá cả sinh hoạt ở quê nhà trong khi người lao động vẫn làm việc ở nước ngoài. Vào năm 2022, một số quốc gia trong khu vực có tỷ lệ lạm phát tương đối cao, buộc các công ty phải tăng các khoản trợ cấp này", ông nói.
Theo kết quả cuộc khảo sát, Anh là quốc gia đắt đỏ nhất thế giới với người nước ngoài với mức lương và phúc lợi trung bình của lao động ngoại quốc là 441.608 USD vào năm 2022. Lạm phát kéo dài, dịch bệnh Covid-19, chi phí năng lượng cao, tình trạng thương mại liên quan đến vấn đề Brexit và diễn biến suy thoái đã gây rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế Anh thời gian qua. Tăng trưởng tại đây đã chững lại trong năm nay, và lạm phát vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Giá cả tăng vọt khiến nhiều người Anh từ bỏ việc làm được trả lương thấp.
Ông Nadra Ahmed- Chủ tịch điều hành Hiệp hội Chăm sóc quốc gia Anh, đại diện cho khoảng 800 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà cho rằng chi phí nhiên liệu cao đang gây ra khó khăn với những người đi lại nhiều. "Cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt ở Anh đã ảnh hưởng và tác động đến thị trường lao động. Mọi người muốn tìm việc làm được trả lương cao hơn", ông Ahmed nói.
Đồng USD tăng giá mạnh đã đưa Mỹ tăng 7 bậc trong xếp hạng, vào top 10 toàn cầu. Gói thù lao của lao động ngoại quốc làm việc ở Mỹ trong năm 2022 đạt bình quân 272.770 USD, tăng 6% so với năm 2021.
Ngọc Tuấn