Sau 3 năm các nhà bán lẻ ở Nhật bắt đầu tính phí túi nhựa, rác thải nhựa ở nước này đã giảm đáng kể, với 80% người mua sắm từ bỏ túi sử dụng một lần. Tuy nhiên, nước này vẫn tạo ra lượng rác thải nhựa tính theo đầu người lớn thứ 2 thế giới.
Không chỉ sử dụng ít dần túi nhựa, người Nhật Bản cũng chọn cách rửa và tái sử dụng thìa nĩa, chai nhựa, theo báo Nikkei Asia.
Các sản phẩm nhựa dùng một lần, trong đó có túi nylon, không dễ phân hủy một khi chúng được thải ra biển hoặc sông, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, chính phủ Nhật Bản bắt buộc tất cả các nhà bán lẻ phải tính phí túi nhựa từ tháng 7/2020. Kết quả là, tỷ lệ người mua sắm từ chối dùng túi nhựa khi thanh toán tại các siêu thị đạt 80,26% trong năm tài chính 2021, tăng mạnh so với con số 57,21% trong năm tài chính 2019, trước khi các khoản phí được áp dụng, theo Hiệp hội Chuỗi cửa hàng Nhật Bản.
Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi trung tâm nghiên cứu kinh tế JCER cho thấy, tổng lượng túi nhựa được phân phối tại Nhật Bản năm 2019 vào khoảng 197.160 tấn. Con số này giảm một nửa xuống còn 100.410 tấn vào năm 2021.
Vào tháng 1/2021, chính quyền thị trấn Kameoka, Kyoto, trở thành đô thị đầu tiên ở Nhật Bản ban hành sắc lệnh cấm tất cả các nhà điều hành doanh nghiệp trong thành phố, khoảng 700 cửa hàng cung cấp túi nhựa cho người mua. Túi giấy, thay thế túi nhựa, hiện cũng phải trả phí. Vì thế, tỷ lệ người dân mang theo túi tái sử dụng khi đi mua sắm tăng từ 50% lên 90%, giúp giảm khoảng 700.000 túi nhựa/tháng.
Theo một cuộc khảo sát dư luận do Văn phòng Nội các Nhật Bản tiến hành vào mùa Thu 2022, 60% người được hỏi cho biết họ "đã nhận thức rõ hơn về nhu cầu giảm thiểu rác thải nhựa và có hành động phù hợp" kể từ khi các khoản phí đối với túi nhựa được đưa ra. Ông Tsutomu Mizutani, người đứng đầu văn phòng thúc đẩy tái chế tại Bộ Môi trường, nói rằng nhận thức của mọi người về vấn đề rác thải nhựa ngày càng tăng chứng tỏ sự thay đổi trong quy định đã có hiệu quả ở một mức độ nào đó.
Tuy nhiên, túi nhựa chỉ chiếm 1,2% lượng chất thải nhựa được sản xuất ở Nhật Bản, vốn lên tới 8,24 triệu tấn vào năm 2021. Chính phủ nước này đã thực hiện một loạt biện pháp giảm thiểu chất thải bổ sung. Vào tháng 4/2022, các nhà điều hành doanh nghiệp bị bắt buộc phải giảm thiểu chất thải từ 12 sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao gồm thìa, nĩa và các đồ dùng do khách sạn cung cấp, đồng thời thúc đẩy việc giới thiệu các loại nhựa ít gây hại môi trường.
Tuy nhiên, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, khối lượng rác thải hộp và bao bì nhựa tính theo đầu người ở Nhật Bản hiện nay vẫn đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mỹ. Ở quy mô toàn cầu, theo một ước tính mới đây, lượng rác thải nhựa trên thế giới vào năm 2060 sẽ lên tới 1,014 tỷ tấn, gấp khoảng ba lần so với năm 2019, nếu các nước không thực hiện hiệu quả các giải pháp.
"Các biện pháp ở Nhật Bản mới chỉ đi được nửa chặng đường. Khu vực công và tư nhân phải chung tay để hướng tới việc giảm thiểu rác thải nhiều hơn và tái chế nhiều hơn", Nikkei Asia dẫn bình luận của chuyên gia am hiểu về vấn đề rác thải nhựa Hiroyuki Ueda, nhà nghiên cứu cấp cao tại Công ty nghiên cứu và tư vấn Mitsubishi UFJ.
Ngọc Tuấn