Người Hà Nội xưa dù có đi đâu về đâu cũng đều nhớ câu ca dao “Dù ai buôn bán trăm nghề/Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”. Trước những áp lực của thời cuộc, nghề “buôn tranh” nay chẳng còn, nhưng may mắn là tranh dân gian Hàng Trống vẫn hiện hữu trong đời sống đương đại, nhờ lòng yêu nghề và sự kiên trì của người nghệ nhân già, với khát vọng không chỉ làm nghề, mà còn đem đến sức sống mới cho tranh của những người trẻ.
Nghệ nhân già góc phố cổ
Phố cổ Hà Nội giờ không còn cảnh tấp nập những quầy bán tranh dân gian, nhưng trong một căn nhà nhỏ trên phố Cửa Đông, dấu ấn của tranh Hàng Trống vẫn được lưu giữ bởi nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nay đã ngoài 70 tuổi. Ông là người giữ nghề cuối cùng của tranh Hàng Trống và cũng là người duy nhất còn nắm giữ trọn vẹn những bí quyết của dòng tranh này.
Đến nay, hình ảnh người người, nhà nhà đổ về phố cổ mua tranh Hàng Trống để thờ và chơi Tết vẫn còn in đậm trong tâm trí người nghệ nhân già. Chẳng riêng dịp Tết, các con phố cổ khi ấy quanh năm nhộn nhịp với tranh. Các chiếu tranh bày bán nhiều trên hè phố, làm nên một nét đẹp không thể lẫn, nhất là khi Tết đến Xuân về. Các nghệ nhân làng Tự Pháp (phố Bảo Khánh-Hàng Trống bây giờ) thường ra vẽ tranh ngay tại đầu làng. Chỉ một chiếc hòm sắt hay tấm gỗ phẳng đã thành bàn để cho ra những sản phẩm văn hóa đầy sắc màu. Tranh in và bồi màu xong được treo lên dây chờ bán, hoặc giao cho lái buôn “chở Xuân” đi muôn nơi.
Thế nhưng, cơn lốc của sự phát triển đã cuốn đi nhiều thứ, trong đó có thú chơi tranh dân gian. Khi nhu cầu mua không còn, các nghệ nhân nắm giữ nghề cũng dần bỏ cuộc, đến nay chỉ còn lại người nghệ nhân già vẫn đau đáu với nghề cha truyền. Cũng bởi tâm huyết ấy, nên đều đặn hàng ngày ông vẫn trau dồi bút lực, rồi tranh thủ khi sức khỏe tốt lại mang đồ nghề đi khắp nơi để nói chuyện, trình diễn nghề cho mọi người xem, ít nhiều giúp nhen nhóm và lan tỏa tình yêu với tranh dân gian trong mỗi người.
“Nhiều bạn trẻ quan tâm đến tranh dân gian nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng đều tìm đến nhà tôi ở phố Cửa Đông để xem và mua tranh. Việc duy trì và phát triển tranh Hàng Trống có khó khăn và thuận lợi. Cái khó nhất hiện nay là những bản tranh cũ nằm hầu hết trong các bảo tàng. Tôi muốn khôi phục và làm lại các mộc bản ấy, nhưng để tìm được một người thợ khắc giỏi rất khó. Vả lại, nếu có thợ khắc giỏi thì giá thành phục chế cũng rất cao nên không thể đáp ứng được”- nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ.
Mong mỏi truyền nghề
Mong mỏi lớn nhất của nghệ nhân Lê Đình Nghiên là tìm được người để truyền nghề. Đã có thời kỳ ông nhận học trò, nhưng chẳng ai đủ kiên nhẫn để đam mê với nghề, thành ra người nghệ nhân già cứ mãi “độc hành” cho tới khi thuyết phục được chính con trai mình theo nghề.
Nghệ nhân trẻ Lê Hoàn- con trai nghệ nhân Lê Đình Nghiên lần đầu xuất hiện trước công chúng với vai trò người nối nghiệp tranh Hàng Trống trong triển lãm “12 dòng tranh dân gian” tại Bảo tàng Hà Nội năm 2016. Khi đó, cha con anh giới thiệu bức tranh Hàng Trống kích thước lớn nhất từ trước tới nay, bức “Tứ phủ công đồng” và “Ngũ hổ” lên tới 1,4m-1,8m.
Con đường đến với tranh Hàng Trống của nghệ nhân trẻ Lê Hoàn cũng giống như cha anh. Lê Hoàn sinh năm 1988, hơn 10 tuổi đã được cha dạy và có thể tô tranh. Nhưng lớn lên, anh lại không theo đuổi nghề, mãi đến khi thấy cha đã cao tuổi mà tìm không có ai để truyền nghề, Lê Hoàn mới tĩnh tâm nghĩ lại để rồi quyết định con đường cho mình. Theo cha đến Phòng Phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội- nơi nghệ nhân Lê Đình Nghiên công tác, Lê Hoàn có cơ hội hiểu thêm về các giá trị của tranh dân gian truyền thống, trong đó có tranh Hàng Trống. Lại được đồng nghiệp của cha động viên, anh dần yêu và say mê nghề tranh này lúc nào không hay. Hiện, Lê Hoàn công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng với công việc phục chế tranh giấy cổ như cha.
“Khi 17, 18 tuổi, tôi bắt đầu tự mình hoàn thiện được những bức tranh đơn giản như Lý ngư vọng nguyệt, Tứ quý… Nhưng nếu nói yêu, nói say mê ngay từ lúc ấy thì chưa hẳn. Thế giới tranh Hàng Trống đa dạng, ngoài kỹ thuật thì mỗi đề tài tranh là một câu chuyện văn hóa. Phải có thời gian thẩm thấu thì mới yêu, mới say mê”- Lê Hoàn chia sẻ. Tính đến nay, Lê Hoàn đã có hơn chục năm gắn bó với nghề tranh Hàng Trống. Những nỗ lực của 2 cha con anh giờ là làm sao để giới thiệu, quảng bá nghề, để tranh Hàng Trống lan tỏa sâu rộng những giá trị trong đời sống đương đại.
Sự cộng hưởng của tuổi trẻ
Trên con đường gìn giữ tranh Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn có thêm sự đồng hành của những người trẻ- những người muốn phát huy những giá trị của tranh dân gian bằng cách ứng dụng vào các sản phẩm đương đại, mang đến một sự kết hợp tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại.
Nhóm S-River với dự án “Họa sắc Việt” nhằm tìm kiếm các họa tiết dân gian Việt Nam vào thiết kế, sản xuất các sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hiện đại là đại diện nổi bật cho sự quan tâm của giới trẻ đương đại với các giá trị truyền thống. Mục tiêu của nhóm là cung cấp cho ngành thiết kế, mỹ thuật hiện đại và những người yêu mến văn hóa dân gian Việt Nam một kho nguyên liệu về họa tiết và màu sắc truyền thống trên môi trường số. Năm 2018, nhóm ra mắt sản phẩm đầu tiên là cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”. Cuốn sách dày 188 trang với 192 gợi ý phối hợp màu sắc từ 6 bộ màu chính của tranh Hàng Trống; 16 cách phát triển họa tiết sáng tạo từ 4 nhóm họa tiết cổ; 95 họa tiết sáng tạo được trình bày trong sách trên tổng số gần 500 họa tiết do nhóm thiết kế phát triển; 6 mô hình sản phẩm ứng dụng các họa tiết sáng tạo do S-River thực hiện cùng hướng dẫn cụ thể. Giảng viên Trịnh Thu Trang (ĐH Kiến trúc Hà Nội), người sáng lập nhóm, chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống, nét đẹp trong tranh Hàng Trống bằng những ứng dụng hiệu quả cho đời sống đương đại, qua đó lan tỏa tình yêu, trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long trong đời sống đương đại”.
Cùng với “Họa sắc Việt”, một dự án nữa cũng rất đáng chú ý, đó là dự án khôi phục các dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ và Hàng Trống của nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa- Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Tháng 12/2020, sau 2 năm chuẩn bị, chị đã cho ra mắt cuốn sách thứ ba “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” (sau thành công của 2 cuốn “Dòng tranh dân gian Kim Hoàng” và “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”). Cuốn sách gồm 5 chương: Lịch sử tranh dân gian Hàng Trống; Nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống; Kỹ thuật vẽ tranh dân gian Hàng Trống; Phân loại tranh dân gian Hàng Trống; Tranh dân gian Hàng Trống trong đời sống đương đại cùng gần 400 tranh, ảnh, tư liệu quý cho người đọc một hiểu biết đầy đủ, sâu sắc nhất về dòng tranh này.
Thanh Xuân