Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cư dân TP.HCM ai không về quê, không đó đây du lịch thì đến phố đi bộ Nguyễn Huệ ở quận 1 để thư giãn.
Đêm 2/5, phóng viên Tạp chí BHXH đã ghi lại những khoảnh khắc tại phố du lịch tại chỗ này với nhiều cung bậc cảm xúc.
Một bé trai, búp măng non không chỉ của gia đình, mà còn là tương lai của thành phố này, đang cố kéo chú khủng long bay về phía mình. Bố mẹ của bé chỉ nhìn và cười, không giúp mà để bé tự xoay sở. Có lẽ, TP.HCM có tiếng năng động nhất cả nước là nhờ những cư dân được trui rèn tính tự lập từ tấm bé.
Cách đó không xa, một em bé ít tuổi hơn và còn đang ngồi xe đẩy, được người mẹ trẻ mớm thức ăn. Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, giúp con trưởng thành và nhìn thấy con hạnh phúc luôn là hành trình mà bất kỳ bậc làm cha mẹ nào cũng dốc hết sức thực hiện.
Theo dòng người di chuyển chầm chậm, hai người trẻ đang đẩy xe lăn, trên xe là một ông lão đã tầm 90 tuổi. Phận con cháu hiếu kính người già khiến ai trông thấy cũng dạt dào xúc cảm. TP.HCM đã chọn cho mình kim chỉ nam phát triển “văn minh- hiện đại- nghĩa tình”. Gia đình là tế bào xã hội. Nghĩa tình nơi xã hội há chẳng xuất phát từ mỗi gia đình sao.
Phố đi bộ đông người dịp nghỉ này cũng là thời khắc để những nghệ sĩ đường phố có cơ hội tỏa sáng, đính kèm cuộc mưu sinh. Tối nay có đến 4 nghệ sĩ tạo hình bất động, chia nhau đứng từng đoạn phố. Chiếc bục cũng đồng thời là hòm tiền để người dạo phố có lòng giúp đỡ tỏ cử chỉ ủng hộ.
Ven đường, một lữ khách trẻ đang cố ngồi im, hồi hộp chờ họa sĩ đường phố ký họa bức chân dung coi giống mình tới cỡ nào. Ký họa thấy dễ mà khó. Kỹ thuật vẽ thì không khó với một họa sĩ. Song, thâu tóm thần thái để vài đường bút đã ra cái thần, cái hồn của người đối diện, mới là chuyện khó. Mỗi bức ký họa có giá 250 nghìn đồng
Dồn hơi ống sáo tạo ra thứ âm thanh véo von là một nghệ sĩ khiếm thị. Anh cứ thổi, ai thương thì giúp ít tiền cơm gạo qua ngày. Một bé gái tầm 10 tuổi, có lẽ được cha mẹ “tập huấn” tinh thần tương thân tương ái, lễ phép đưa tiền vào hộp giấy của nghệ sĩ khiếm thị, rồi cúi đầu chào trước khi rời đi.
Giữa phố đi bộ, một nhóm thanh thiếu niên đang phô diễn kỹ thuật trên chiếc ván trượt. Thấy các em biểu diễn, người đi bộ cũng nhường đường. Có lẽ, phố đi bộ đang đông người qua kẻ lại, nên các em cũng thêm phần phấn khích. Té đau lại cười to và tiếp tục biểu diễn trượt ván. Người trẻ cần được người lớn cảm thông và hun đúc tinh thần, mới có hy vọng tiến xa.
TP.HCM lâu nay giữ vai trò trung tâm kinh tế của cả nước. Sự phát triển của đô thị hơn 10 triệu dân này, ngoài tạo nguồn thu ngân sách dồi dào, còn tạo động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên hòa nhịp phát triển. TP.HCM luôn gắn phát triển kinh tế với đảm bảo ASXH- đây là địa phương tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất cả nước, với lưới an sinh (BHXH bắt buộc) cũng bền chặt nhất.
Riêng với BHYT, Chính phủ vừa giao trong năm 2022 này, TP.HCM phải đạt tỷ lệ bao phủ 91,25% dân số. Đến năm 2025, tỷ lệ này phải đạt 95,15%, ngang bằng với tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước ở thời điểm đó. Đây là hành trình gian nan với hệ thống BHXH và cấp ủy, chính quyền TP.HCM. Trong hầu hết lĩnh vực, nhờ năng động, sáng tạo mà TP.HCM luôn dẫn đầu. Hy vọng, trong lĩnh vực ASXH với hai trụ cột chính là BHXH, BHYT, hệ thống BHXH và cấp ủy, chính quyền TP.HCM sẽ sớm hoàn thành sứ mệnh.
Thanh Giang