Trong bối cảnh đặc biệt của năm 2023, dự kiến Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ đưa ra nhiều phương án để thương lượng tiền lương tối thiểu (LTT) vùng trong phiên họp đầu tiên diễn ra vào ngày 9/8.
Tăng lương hài hòa quyền lợi các bên
Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh nhất của tình trạng sụt giảm đơn hàng, ông Nguyễn Thái Dương- Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, mỗi lần thương lượng về LTT, dệt may luôn là ngành có những phản ứng mạnh mẽ nhất, một phần xuất phát từ đặc thù ngành nghề. Mặc dù đem lại kim ngạch xuất khẩu rất lớn, song dệt may chủ yếu làm gia công, hiệu quả chỉ dừng lại ở việc đem đến việc làm và mức thu nhập trung bình, nên nhìn chung đời sống NLĐ vẫn rất khó khăn.
Ảnh minh họa
Xuất phát từ thực tế đó, trong thương lượng tiền LTT hiện nay, nên cân nhắc các phương án phù hợp, tránh tác động tiêu cực đến cả DN và NLĐ. “Với các DN ngành dệt may, giai đoạn này hết sức khó khăn. Chúng tôi là cán bộ Công đoàn luôn mong muốn NLĐ có việc làm, tăng thu nhập, tuy nhiên trong bối cảnh này với các DN là hết sức khó”- ông Dương thừa nhận.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm hơn 20%, tương đương giảm gần 4 tỷ USD. Trong khi đó, theo tính toán mỗi cứ 1 tỷ USD xuất khẩu sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động chính thức trong ngành. Như vậy, tương ứng với con số sụt giảm trên, có tới hơn 600.000 lao động không có việc làm và giảm thu nhập. Đáng chú ý, nửa đầu năm 2023, đơn giá gia công trong ngành dệt may cũng giảm hơn 30%.
Cũng theo ông Dương, đối với các ngành không tính lương theo sản phẩm, khi điều chỉnh tiền LTT vùng sẽ đưa cơ cấu tiền lương mới vào cơ cấu giá thành sản phẩm, như vậy quỹ tiền lương sẽ tăng lên khiến NLĐ được hưởng lợi. Tuy nhiên, với những đơn vị tính lương theo sản phẩm, đơn cử dệt may cơ cấu tiền lương chiếm khoảng 60% đơn giá giá công, thì khi đơn giá gia công giảm, năng suất lao động hầu như không tăng. “Chiếc bánh vẫn như vậy, nên nếu điều chỉnh tiền LTT thì DN hầu hết chịu chi phí tăng thêm phần đóng BHXH, còn thu nhập thực tế của NLĐ chưa chắc đã tăng, thậm chí giảm đi vì tỷ lệ phải đóng BHXH và các khoản khác tăng theo”- ông Dương phân tích.
Theo đánh giá của ông Lê Đình Quảng- thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, trong bối cảnh hiện nay, đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hơn một năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng cao so với trước đây. Trong các yếu tố để xem xét điều chỉnh mức LTT, thì khả năng chi trả của DN cũng rất quan trọng. Trong điều kiện hiện nay, điều này cần được xem xét để đảm bảo tiền lương thực sự là động lực cải thiện điều kiện làm việc, góp phần thúc đẩy DN phát triển, nhưng cũng hài hòa với khả năng chi trả. “Đó là bài toán phải tính rất kỹ. Bởi ngoài khả năng chi trả của DN, mức sống tối thiểu cũng là một tiêu chí quan trọng trong 7 yếu tố để xem xét điều chỉnh tiền LTT hằng năm”- ông Quảng nhận định.
Cân nhắc thời điểm điều chỉnh
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các Công đoàn cơ sở cũng đề xuất, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ và gia đình họ, thì mức điều chỉnh tiền LTT vùng năm 2024 cần điều chỉnh tăng 11,34%. Tuy nhiên, thời điểm điều chỉnh cần cân nhắc phù hợp để giảm thiểu các tác động đến cả DN và NLĐ. Đồng thời, Công đoàn cũng ghi nhận, thực hiện Nghị định 38 của Chính phủ, đã có hơn 86% NLĐ được điều chỉnh tiền LTT với mức điều chỉnh trung bình là 366.000 đồng; trên 10% NLĐ được điều chỉnh với mức thấp hơn 6%.
Còn theo ông Lê Đình Quảng, khi thương lượng tiền lương theo Nghị định 38, mức lương tăng thêm 6% và phần lớn DN đã đáp ứng được, NLĐ cũng cho rằng phù hợp. Như vậy, thời điểm áp dụng từ tháng 7/2022 đến nay, mức lương trên đảm bảo. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng lên, điều kiện kinh tế-xã hội cũng có những biến động, nhu cầu chi tiêu của NLĐ và gia đình họ cũng tăng lên, nên cần xem xét để điều chỉnh tiền lương trong thời gian tới.
Có thể nói, trong phiên đàm phán đầu tiên, thời điểm điều chỉnh LTT cũng là nội dung mà các bên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần thảo luận, bởi nếu lùi lại đến đầu năm 2024- theo Nghị định 38 đã mất hơn 1,5 năm chưa tăng. Trong khi đó, Nghị quyết 27 xác định cần định kỳ hàng năm điều chỉnh LTT vùng. "Chúng tôi thấu hiểu hiện nay DN khó khăn, do đó việc đề nghị lùi thời gian điều chỉnh tiền lương cũng là một yếu tố cần thảo luận kỹ lưỡng, để vừa đảm bảo quyền lợi NLĐ, vừa bảo đảm khả năng chi trả của người SDLĐ”- ông Quảng chia sẻ.
Dưới góc nhìn khác, ông Lê Ngọc Minh- Phó Chủ tịch Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam cho biết, trước năm 2020 ngành có khó khăn, song giai đoạn 2021-2023 nhờ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nên việc làm được cải thiện đáng kể. Một số bộ phận khó khăn thuộc các đơn vị trước đây do cổ phần hóa yếu kém, nợ lương không khắc phục được. Về thu nhập, khối duy tu đường bộ hiện đạt mức bình quân 7,5 triệu đồng/tháng; khối xây dựng cơ bản khoảng 10 triệu đồng/tháng; khối công nghiệp cơ khí khoảng 9 triệu đồng; khối khảo sát thiết kế dịch vụ gần 12 triệu đồng… “Với mức thu nhập như trên, đời sống NLĐ vẫn khó khăn. Bởi mức lương phải “gánh” rất nhiều khoản phải chi phí, trong khi giá cả tăng chóng mặt. Do đó, Công đoàn Giao thông vận tải vẫn đề xuất tiếp tục tăng LTT vùng...”- ông Minh kiến nghị.
Nguyệt Hà