Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.
Thông tin tại buổi họp báo về số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý IV và năm 2021, bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế 3 tháng cuối năm cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, với GDP ước tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020. Đây là sự đảo chiều ấn tượng so với mức sụt giảm của quý trước. Tuy nhiên, tỷ lệ này tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020, nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011 đến 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%...
Bình luận về các con số này, ông Dương Mạnh Hùng- Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, đây là lần đầu tiên lĩnh vực nông nghiệp có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP. Các điểm sáng của lĩnh vực này trong năm 2021 là duy trì tăng trưởng ổn định; xuất khẩu đạt mức cao tới 48,5 tỷ USD, cao hơn kế hoạch đề ra; an sinh xã hội được đảm bảo. Điều này cho thấy, nông nghiệp vẫn luôn là bệ đỡ, là nền tảng bền vững của Việt Nam trong những lúc khó khăn, với mạng lưới đa dạng và lực lượng lao động dồi dào.
Đáng chú ý, cả năm 2021, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, hoạt động tài chính-ngân hàng tăng 9,42%, ngành thông tin và truyền thông tăng gần 6%.
Tính chung năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,22%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%, khu vực nông thôn là 2,48%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2021 ước tính là 8,48%. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/NLĐ (tương đương 7.398 USD/NLĐ, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của NLĐ được cải thiện (tỷ lệ NLĐ qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).
Theo đánh giá, việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các DN. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, các DN lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% DN đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.
Theo số liệu công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 giảm 0,18% so với tháng trước. Quý IV/2021, CPI giảm 0,38% so với quý trước và tăng 1,89% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với bình quân năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.
Thái An