Đây là một trong những mục tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm hướng đến đảm bảo chế độ đối với giáo viên dạy học vùng dân tộc thiểu số.
Theo Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong những năm qua, việc xây dựng đội ngũ giáo viên thu được nhiều kết quả. Đội ngũ giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông vùng dân tộc thiểu số, miền núi cơ bản đáp ứng nhiệm vụ giáo dục; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao (98,07%); tỷ lệ giáo viên trẻ cao, có nhiệt huyết, tiếp cận nhanh với các phương pháp giáo dục mới. Tuy nhiên, hạn chế đội ngũ giáo viên vùng dân tộc thiểu số, miền núi là cơ cấu không cân đối trong khi các tỉnh đều thiếu giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên nhà trẻ, thì giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giáo viên THPT lại thừa; đội ngũ giáo viên trẻ thiếu kinh nghiệm thực tế nên hạn chế trong vận động HS; giáo viên ít hiểu biết về văn hóa, thiếu kỹ năng ngôn ngữ dân tộc nên hạn chế trọng thực hiện nhiệm vụ giáo dục; việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên còn nhiều bất cập, nhất là chính sách tuyển giáo viên theo hợp đồng ngắn hạn, lương giáo viên không đủ sống, nhiều giáo viên bỏ nghề để đi làm các nghề phổ thông, làm công nhân công ty...
Do đó, tại Công văn 1949/BGDĐT-GDTH về Thực hiện hoạt động và giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo chính sách đối với học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, cũng như đảm bảo chế độ đối với giáo viên dạy học vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số và đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ thêm cho giáo viên dạy các lớp chuẩn bị, tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh chưa qua mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp 1 trong thời gian giáo viên được nghỉ hè theo quy định và những giáo viên dạy các tiết tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số trong suốt năm học phù hợp với điều kiện của địa phương.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên về tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 vùng dân tộc thiểu số; triển khai dạy học tăng cường tiếng Việt lớp 1, lớp 2, lớp 3 vùng dân tộc thiểu số nhằm tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Tổ chức rà soát kết quả thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt để điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với thực tế hiện nay. Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí tổ chức triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số hàng năm, trong đó cần quan tâm bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ, cấp phát miễn phí các bộ tài liệu tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, thẩm định và phê duyệt để các trường có đủ điều kiện triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Tùng Anh