Tối 13-14/12, vở kịch đầu tay của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ “Sống mãi tuổi 17” sẽ được giới thiệu tới khán giả tại Nhà hát Tuổi Trẻ- số 11 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội).
Vở kịch đưa người xem trở lại thời kỳ oanh liệt gần 100 năm trước khi đất nước đang chìm trong ách thống trị của thực dân Pháp, đời sống nhân dân ta một cổ hai tròng, vô cùng cơ cực lầm than. Bằng ngòi bút của mình, tác giả Lưu Quang Vũ đã kể lại những giai đoạn hoạt động cách mạng quan trọng của cuộc đời Lý Tự Trọng- một người sớm giác ngộ với con đường cách mạng của dân tộc.
Chuyện kịch xảy ra trong một giai đoạn rất ngắn, đã lột tả sự áp bức của những kẻ thực dân cai trị cùng nỗi thống khổ của người dân lao động dưới ách thuộc địa. Trước con mắt của người thanh niên trẻ tuổi, anh hiểu rằng cần phải giúp đỡ, cảm hóa tầng lớp cần lao cùng nhau vùng lên giành lại tự do cho Tổ quốc. Mặc dù công việc hết sức nguy hiểm vì mật thám suốt ngày lùng sục, vây bắt gắt gao, nhưng Lý Tự Trọng với tư chất thông minh đã sáng tạo, gan dạ vượt qua mọi sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù và hoàn thành nhiệm vụ.
Ngày 8/2/1931, các chiến sĩ cách mạng tổ chức mít tinh kêu gọi quần chúng vùng lên đánh đuổi thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Giữa lúc ấy, tên cò Lơgơrăng và bọn cảnh sát ập tới. Để giải cứu cho đồng chí của mình, Lý Tự Trọng không sợ nguy hiểm đã rút súng bắn chết tên thanh tra mật thám... Sau đó, anh bị bắt và đưa về bốt Catina. Trong nhà tù thực dân, đế quốc, kẻ thù sử dụng mọi hình thức tra tấn dã man tàn khốc, nhưng vẫn không lấy được lời khai của anh.
Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp kết án tử hình. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã dõng dạc nói: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Trước ý chí không khuất phục của người thanh niên cách mạng, thực dân Pháp ở Đông Dương tỏ ra vô cùng hoảng sợ. Chúng quyết thực hiện nhanh bản án tử hình đối với Lý Tự Trọng, mặc dù anh chưa đủ tuổi thụ án theo quy định của luật pháp thực dân. Chúng không dám đưa anh ra xét xử công khai bởi sự phản đối của nhân dân khắp nơi. Lợi dụng lúc nửa đêm về sáng 21/11/1931, chúng hèn hạ dựng máy chém ở ngay Khám lớn Sài Gòn để giết anh trong im lặng.
Nhận thấy ý nghĩa và giá trị của vở kịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ VH-TT&DL chỉ đạo Nhà hát Tuổi Trẻ dàn dựng vở diễn “Sống mãi tuổi 17”, một lần nữa khẳng định tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục trước cường quyền và mọi thế lực áp bức, đô hộ.
Theo NSƯT Sỹ Tiến- Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, trong nhiều năm, khán giả đã được thưởng thức các tác phẩm mang màu sắc đương đại, phản ánh đời sống xã hội qua những “Mùa kịch Lưu Quang Vũ” được tổ chức hằng năm như: Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ai là thủ phạm? Tin ở hoa hồng, Ông không phải là bố tôi…, nhưng với “Sống mãi tuổi 17”, khán giả sẽ đến với kịch Lưu Quang Vũ trong một vở diễn lấy bối cảnh từ thời kỳ đất nước chưa giành được độc lập, là tác phẩm đầu tay của ông từng được dàn dựng tại Nhà hát Tuổi Trẻ hơn 40 năm trước. Cho đến nay, những thông điệp và ý nghĩa của vở diễn vẫn còn nguyên giá trị đối với công chúng và thời đại.
“Chúng tôi hy vọng vở diễn sẽ có sức lan tỏa tích cực đến với đông đảo thế hệ trẻ. Tôi tin rằng, rất nhiều bạn trẻ trong chúng ta vẫn còn trăn trở trong hành trình nhận diện mục đích và lý tưởng sống đúng đắn cho riêng mình. Vở diễn được dàn dựng với mục đích truyền cảm hứng, lý tưởng và ý chí quyết tâm, không lùi bước trước khó khăn, sẵn sàng gánh vác sứ mệnh và trọng trách của thế hệ thanh niên Việt Nam trước Tổ quốc hôm nay và mai sau”- NSƯT Sỹ Tiến nói.
Minh Anh