Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Thực phẩm vào tháng 9/2021, LHQ đã phát động Liên minh Bữa ăn học đường (The School Meals Coalition).
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Thực phẩm vào tháng 9/2021, LHQ đã phát động Liên minh Bữa ăn Học đường (The School Meals Coalition). Liên minh này là “lời hồi đáp” cho “lời thỉnh cầu” hồi tháng 3/2021 của Liên minh Châu Phi về sự cần thiết của một chương trình Bữa ăn học đường toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 và an ninh thực phẩm
Covid-19 làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới, đặc biệt là trẻ em, dù sống ở các quốc gia có thu nhập thấp hay cao. Trường học đóng cửa, học sinh phải ở nhà, không thể tiếp cận với bữa ăn học đường như trước khi xảy ra đại dịch. Vì vậy, sứ mệnh của Liên minh Bữa ăn học đường là ngăn chặn tình trạng mất an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng, tìm các giải pháp đảm bảo mọi học sinh được tiếp cận với bữa ăn học đường chất lượng ở trường học vào năm 2030, vừa để giải quyết tác động tiêu cực của đại dịch, vừa góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em.
Cái đói ảnh hưởng đến giáo dục như thế nào?
Hơn 1 tỷ trẻ em đang đi học trên toàn thế giới. Trước đại dịch Covid-19, 338 triệu trong số này được thụ hưởng bữa ăn học đường. Bên cạnh đó, vẫn còn 73 triệu trẻ em ở 60 quốc gia có thu nhập thấp hơn không được tiếp cận với bữa ăn học đường. Covid-19 ập đến, làm tăng số lượng trẻ em bị đói trên toàn cầu. Vào đỉnh điểm của đại dịch hồi tháng 4/2020 cho đến nay, rất nhiều quốc gia phải đóng cửa trường học, điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm triệu trẻ em không được tiếp cận với ít nhất một bữa ăn đảm bảo trong ngày.
Ngay cả khi các trường học mở cửa trở lại ở một số quốc gia vào năm 2021, ước tính vẫn có 150 triệu trẻ em tiếp tục phải đi học mà không có bữa ăn học đường. Đói nghèo thường khiến học sinh phải nghỉ học. Không có nguồn thực phẩm ổn định, học sinh sẽ mất động lực đến trường. Cuối cùng, thiếu giáo dục và đói nghèo sẽ làm tăng tỷ lệ lao động trẻ em, trẻ em nữ dễ rơi vào tình trạng kết hôn sớm và bạo lực trên cơ sở giới có chiều hướng gia tăng.
Báo cáo Tình trạng Trẻ em Thế giới năm 2019 của UNICEF cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ em vì dẫn tới dễ bị nhiễm trùng, nhận thức kém và phát triển chậm. Năm 2019, có 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và gần 50 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thể gầy yếu. Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ em và hơn thế nữa, nếu không được kiểm soát, có thể cản trở sinh kế của người dân trên khắp thế giới.
Liên minh Bữa ăn học đường là gì?
Dẫn đầu là Iceland, Phần Lan, Pháp và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Liên minh Bữa ăn học đường phải đối mặt với một nhiệm vụ đầy thách thức. Về tổng thể, Liên minh bao gồm 40 quốc gia thành viên, các cơ quan của LHQ, các nhóm học thuật, các tổ chức phi chính phủ và hơn thế nữa. Cho đến nay, Liên minh đã đưa ra một số sáng kiến để thiết lập chương trình hoạt động như thành lập một tổ hợp nghiên cứu, một nhóm tài chính, một nhóm vận động và tiếp cận cộng đồng; đang xây dựng một mạng lưới để chia sẻ chiến lược và quy trình giám sát do WFP chủ trì; mỗi năm sẽ công bố ít nhất một báo cáo về bữa ăn/dinh dưỡng học đường… Ấn phẩm hàng năm của WFP “State of School Feeding Worldwide” sẽ xem xét sự tiến bộ của liên minh.
Tác động của Liên minh có thể vượt ra khỏi khuôn khổ trường học
Bên cạnh mục tiêu cải thiện vấn đề dinh dưỡng cho học sinh, Liên minh Bữa ăn học đường hướng tới giúp ổn định cung – cầu lương thực. Bên cạnh vận động kinh phí để cung cấp bữa ăn học đường cho học sinh, Chương trình còn được tiến hành song song với các chương trình khác, chẳng hạn Chương trình Nuôi dưỡng trẻ tại nhà của WFP. Theo đó, trường học sử dụng thực phẩm mà cộng đồng sản xuất và chế biến; phụ nữ và DN nhỏ ở địa phương nhận được các cơ hội cung ứng bình đẳng, công bằng. Làm vậy, học sinh không chỉ nhận được những bữa ăn học đường chất lượng, một nền giáo dục với điều kiện học tập phù hợp mà gia đình của học sinh cũng có cơ hội việc làm, học hỏi các phương thức kinh doanh, trồng trọt, chế biến thực phẩm bền vững.
Tùng Anh (Theo Dana Gil)