Tại nhiều địa phương, hàng loạt khu đất nền được quy hoạch, phân lô rao bán rầm rộ, rồi sau đó bỏ hoang hàng chục năm. Trong khi đó, nhu cầu đất ở của công nhân, NLĐ là rất lớn và là nhu cầu thật nhưng không thể mua…
Làm công nhân 20 năm vẫn ở trọ
Gần 20 năm trước, chị Nguyễn Minh Hạnh rời quê Thanh Hóa vào TP.HCM làm công nhân cho công ty may tại Gò Vấp. “Vợ chồng em cũng dành dụm được ít tiền, tính đi xem đất, nhưng chỉ vài tháng giá đất đã tăng gấp đôi. Đến nay, muốn mua được đất TP.HCM phải có vài tỷ trong tay chứ chưa nói làm nhà. Chung cư giờ mỗi căn cũng tăng lên đến tiền tỷ. Chính vì vậy mà tụi em đành chấp nhận với cuộc sống ở nhà trọ”, chị Nguyễn Minh Hạnh nói.
Vợ chồng anh Hoàng 20 trong căn phòng trọ
Còn vợ chồng anh Minh Hoàng, công nhân làm tại KCN Vĩnh Lộc, TP.HCM cho biết, vợ chồng anh quê Sóc Trăng, cũng đã ở trọ gần 20 năm qua, nay dành dụm được chút tiền muốn tìm mua đất ở khu vực huyện Bình Chánh giáp hoặc Long An. Tuy nhiên, thời gian qua tìm mãi vẫn không kiếm đâu ra miếng đất vừa với túi tiền của mình.
Qua khảo sát của các ngành chức năng, có rất ít công nhân đủ khả năng mua nhà đất tại TP.HCM. Ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, giá đất có rẻ hơn nhưng gần đây cũng bị đẩy lên quá cao so với thực tế, khiến nhu cầu tiếp cận của công nhân, NLĐ ngày càng trở nên xa vời…
Đầu cơ, ôm đất rồi bỏ hoang
Chúng tôi đến khu vực có quy hoạch thành lập KCN An Hạ, huyện Bình Chánh để tìm hiểu theo lời kể của nhiều công nhân. Nơi đây được các nhà đầu tư rao sẽ thành lập các cụm dân cư dành cho NLĐ, công nhân làm việc. Tuy nhiên, đi một vòng tìm hiểu chỉ thấy toàn cỏ và cây dừa nước mọc um tùm. Nhiều mảnh đất dù đã được phân lô, chia nền, nhưng theo người dân, mảnh đất này đã bị bỏ hoang hàng chục năm.
Thực tế này cũng diễn ra tại nhiều khu vực trên địa bàn huyện Hóc Môn. Rất nhiều khu đất dọc 2 bên đường Song Hành quốc lộ 22 dù đã được chia lô, phân nền hoàn chỉnh nhưng giới đầu cơ mua xong rồi bỏ hoang chờ giá đất lên. Nhiều địa bàn như TP.Thủ Đức, quận 12, Nhà Bè… cũng chung tình trạng nhiều diện tích đất phân lô, mua bán qua tay rồi bỏ hoang.
Tại Khu đô thị công nghiệp Mỹ Phước 4, thuộc phường Thới Hòa, TX. Bến Cát, tỉnh Bình Dương, tình trạng cũng như ở TP.HCM, dù khu này đã được triển khai xây dựng từ hơn 10 năm nay. Là dự án trọng điểm, theo quy hoạch, diện tích đất dùng để xây dựng nhà máy chiếm tỷ lệ lớn, còn đất để xây dựng khu đô thị bao gồm khu biệt thự, nhà phố liên kết, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại, công viên cây xanh, trường học... Nhưng sau gần 10 năm, Khu đô thị công nghiệp Mỹ Phước 4 vẫn vắng hoe, các lô đất được chia lô nhưng nhiều năm qua vẫn chỉ là bãi đất trống.
Long- một công nhân lâu năm ở trọ gần đó chia sẻ: “Trông vậy chứ đất có chủ mua cả rồi đó anh. Nhưng phần lớn là đầu cơ, những người có tiền mua xong để đó chờ giá lên cao. Họ trữ đất giống như trữ vàng, trữ tiền. Công nhân, NLĐ có thu nhập thấp thì không đủ tiền mua, không có nhà ở trong khi đất được những người giàu mua tích trữ, đầu cơ bỏ hoang vô cùng lãng phí tài nguyên”.
Ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: Hiện nay đang có tình trạng sốt giá bất động sản trên tất cả loại hình. Không chỉ đất nền và đất nông nghiệp mà cả sốt giá căn hộ, dự án nhà biệt thự, nhà phố và cả khu vực đô thị cũ, giá nhà đất tại khu vực đô thị cũ cũng tăng lên rất cao… Hệ lụy của tình trạng sốt giá đất cũng không mới, nó đã từng xảy ra hơn 10 năm trước. Như câu chuyện của TP.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai khiến nhiều nhà đầu tư gánh hậu quả.
Theo ông Châu, hệ lụy lớn của những cơn sốt đất là đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao. Như vừa qua có một dự án có giá 30-33 triệu đồng/m2 nhưng sau cơn sốt, giá bán đã được đẩy lên trên 50 triệu đồng/m2… Và cơ hội có nhà ở của NLĐ, công nhân có nhu cầu thật bị mất đi.
Về giải pháp để triệt những cơn sốt đất, ông Châu đề xuất, ở góc độ quản lý nhà nước kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, khi xử lý vấn đề này cần đánh thuế chuyển nhượng ở mức cao. Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản nếu không sử dụng.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành nên sử dụng triệt để công cụ về quy hoạch, chủ yếu là các tỉnh, cần quy hoạch sử dụng đất, có kế hoạch sử dụng đất hằng năm nhằm kiểm soát được thị trường bất động sản.
Phạm Thọ