Đó là khẳng định của chuyên gia Khoa Tiết niệu (BV Bình Dân TP.HCM). Theo đó, Việt Nam thuộc “vành đai sỏi” của thế giới, là do bị xếp vào nhóm những quốc gia có tỷ lệ sỏi tiết niệu cao nhất thế giới, khi điều trị sỏi chiếm khoảng 40-60% số bệnh nhân điều trị trong Khoa Tiết niệu.
Theo chuyên gia, ở những vùng khí hậu nóng, cơ thể người bị mất nước qua hơi thở và mồ hôi nhiều hơn, nên lượng nước tiểu ít hơn. Khi lượng nước tiểu ít hơn, bất thường vì khí hậu nóng, thì lượng chất thải của cơ thể vẫn bình thường, không ít đi chút nào. Hệ lụy là nồng độ nước tiểu sẽ đậm đặc hơn, dễ kết tủa sỏi hơn.
Từ phòng ngừa trong sinh hoạt...
Không may mắc sỏi tiết niệu, người bệnh khi điều trị sẽ được bác sĩ tư vấn nhiều phương pháp, thủ thuật can thiệp phù hợp với tình trạng bệnh lý và sức khỏe. Trước đây, mắc sỏi tiết niệu nặng đến mức phải can thiệp thì chỉ có mổ hở. Còn y học hiện đại ngày nay cho phép các chuyên gia can thiệp niệu khoa xử lý sỏi bằng phẫu thuật nội soi.
Các phương pháp mới xử lý sỏi tiết niệu đã được quỹ BHYT chi trả theo quy định (nếu người bệnh có tham gia BHYT), vừa giúp rút ngắn thời gian nằm viện, vừa tiết giảm hiệu quả chi phí y tế. Và đương nhiên, nhanh khỏe đồng nghĩa với việc sớm lao động, hạn chế tối đa vấn đề mất thu nhập vì điều trị sỏi tiết niệu. Dù phương pháp điều trị có nhanh gọn đến mấy, theo chuyên gia khuyến cáo, vấn đề phòng ngừa sỏi niệu và sỏi niệu tái phát là hết sức quan trọng.
Vì sao chuyên gia đề cập đến “sỏi niệu tái phát”? Thực ra, sỏi niệu tái phát rất ít liên quan đến vấn đề điều trị, mà vẫn câu chuyện “nồng độ nước tiểu sẽ đậm đặc hơn, dễ kết tủa sỏi hơn” như đã phân tích. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, để phòng ngừa sỏi niệu và sỏi niệu tái phát hữu hiệu, phải lưu ý thực hiện những yêu cầu sau:
Trước hết là nước trong cơ thể, cần bù đủ dịch nếu bị mất nước nhiều, nên uống 2,5-3,0 lít nước/ngày; nên chia đều lượng nước uống trong ngày; nên uống đồ uống pH trung tính (như nước lọc); nước tiểu nên đạt 2,0-2,5 lít/ngày.
Thứ đến là về dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau và chất xơ, duy trì lượng Canxi 1-1,2 gram/ngày; giới hạn lượng muối NaCl <5gram/ngày (dưới 1 muỗng cà phê muối/3 muỗng cà phê nước mắm/5 muỗng cà phê hạt nêm); giới hạn Protein động vật 0,8-1,0 gram/kilogram/ngày. Riêng về lối sống, chuyên gia khuyến cáo nên duy trì trọng lượng cơ thể trong giới hạn bình thường (BMI từ 18,5-24,9) và tập thể dục thường xuyên...
Cũng theo chuyên gia, việc phòng ngừa sỏi niệu và sỏi niệu tái phát không quá khó, nên cộng đồng ráng thực hiện để có lối sống lành mạnh, tăng cường sức khỏe. Đặc biệt, cần chú ý đối với việc bổ sung canxi, một khoáng chất lâu nay vẫn bị nhiều người sỏi thận “đổ thừa” là nguyên nhân gây sỏi. Thực ra, người bị sỏi thận cần duy trì chế độ ăn đủ canxi, vì thiếu canxi sẽ làm tăng nguy cơ tạo sỏi canxi oxalat.
Chuyên gia còn khẳng định, phòng ngừa sỏi thật sự mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe, khi người bệnh tránh được nguy cơ phải phẫu thuật lấy sỏi. Điều này cũng giúp giảm gánh nặng kinh tế đáng kể. Một vài nghiên cứu đã cho thấy, đối với mỗi đợt tái phát sỏi được ngăn chặn bằng cách sàng lọc và phòng ngừa thích hợp cho một bệnh nhân, phí tổn tiết kiệm được là gần 2.000 bảng ở Anh, 2.158 đôla ở Mỹ và giảm 30% chi phí điều trị bệnh nhân sỏi niệu ở Đức.
Đến phòng ngừa bằng xét nghiệm sỏi
Đây là cách mới và rất hiện đại, không chỉ giúp phòng ngừa sỏi tiết niệu tái phát hiệu quả hơn, mà còn giúp các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp đối với người mắc sỏi thận tiết niệu nặng đến mức phải can thiệp, xử lý. Theo đó, các chuyên gia sẽ dùng hệ thống máy để tìm ra có những loại tinh thể nào có trong sỏi thông qua mẫu sỏi tiết niệu, từ đó đề ra phương pháp, thủ thuật can thiệp, điều trị hợp lý.
Nếu phát hiện sỏi dạng hợp chất canxi oxalate monohydrate và brushite là những loại sỏi cứng và khó bị tán vỡ bằng kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể, thì nếu cần điều trị tiếp theo, các bác sĩ có thể chọn phương pháp điều trị khác như nội soi lấy sỏi qua da hoặc nội soi niệu quản- bể thận ngược dòng và dùng laser bắn vỡ sỏi.
Nếu phát hiện sỏi dạng axit uric là loại sỏi vốn hình thành trong nước tiểu có tính axit, thì kiềm hóa nước tiểu có thể hòa tan sỏi này và ngăn ngừa sỏi mới hình thành. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cho người bệnh, bao gồm tầm soát luôn các bệnh lý kèm theo. Còn nếu phát hiện sỏi canxi phosphate là loại sỏi hình thành trong nước tiểu có tính kiềm, thì tăng pH nước tiểu sẽ làm tăng khả năng kết tủa canxi phosphate.
Về kết quả xét nghiệm sỏi tiết niệu, chuyên gia còn cho biết thêm, sự hiện diện của một số loại tinh thể có thể gợi ý sự tồn tại của một bệnh tiềm ẩn. Theo đó, sỏi canxi phosphate thường gặp ở người bệnh cường tuyến cận giáp nguyên phát và nhiễm toan ống thận xa, sỏi struvite hình thành khi có nhiễm trùng đường tiết niệu trên. Sỏi axit uric phổ biến hơn ở những người đái tháo đường, gout, béo phì...
Đối với chiến lược phòng ngừa sỏi niệu tái phát, kết quả xét nghiệm sỏi giúp các chuyên gia niệu khoa tư vấn chính xác, giúp bệnh nhân sỏi tiết niệu phòng ngừa hiệu quả hơn.
Đối với sỏi axit uric, loại sỏi gặp ở 10-20% người mắc sỏi niệu và có nguy cơ tái phát cao, người bệnh được tư vấn giảm dùng các thực phẩm giàu đạm, purin như thịt bò, các loại thịt mỡ, nội tạng động vật, trứng cá, cá cơm, cá mòi, tôm, tép, nấm, bia…
Những người gặp các bệnh về chuyển hóa, kháng insulin, hội chứng ly giải khối u, bệnh gout hoặc do một số loại thuốc. Ngoài việc tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, người bệnh còn được tư vấn dùng thuốc để kiềm hóa nước tiểu.
Đối với sỏi canxi oxalate, loại sỏi thường gặp ở 30-60% người mắc sỏi niệu, thường có liên quan tới tăng canxi niệu, tăng oxalate máu, tăng uric niệu, giảm magie niệu và giảm citrate niệu. Người bệnh không nên ăn nhiều các thực phẩm giàu oxalate như một số loại trái cây: các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, nho, kiwi, cam, mận; các loại rau củ như rau bina, đậu bắp, củ cải, cà tím, khoai lang, bí, cà chua, cà rốt.
Người bệnh cần tránh ăn nhiều các loại đậu, hạnh nhân, hạt điều, đậu phụng, thức uống pha rượu mạnh với hoa quả, nước trái cây (trừ nước chanh) cũng có hàm lượng oxalate cao. Người bị sỏi canxi oxalat có thể dùng các sản phẩm từ sữa, chuối, dưa lưới, xà lách, cải thìa, súp lơ, đu đủ, ớt chuông.
Người bệnh có sỏi canxi oxalate cũng lưu ý bổ sung canxi đầy đủ. Canxi sẽ kết hợp với oxalate trước khi đến thận, làm giảm nguy cơ hình thành sỏi thận. Do đó, nếu chế độ ăn thiếu canxi khiến lượng oxalate đến thận nhiều hơn, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Các nghiên cứu cho thấy, thay vì kiêng các thực phẩm chứa nhiều oxalate trong chế độ ăn mỗi ngày, người bệnh có thể ăn thức ăn giàu canxi kèm với thức ăn giàu oxalate. Vì vậy, quan niệm kiêng thực phẩm giàu canxi là chưa chính xác và có thể tăng nguy cơ mắc sỏi thận...
Thanh Giang