Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp trong nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu thế giới.
Số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức) cho biết, đến năm 2025, doanh thu bán hàng trực tuyến sẽ chiếm khoảng 1/10 tổng doanh thu bán lẻ của Việt Nam và doanh thu của thị trường TMĐT sẽ đạt 9 tỷ USD.
Cùng đó, các sản phẩm như làm đẹp, đồ gia dụng, điện tử, thời trang, đồ chơi, nội thất là những ngành hàng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong TMĐT Việt Nam. Mô hình bán lẻ mới sẽ tác động mạnh mẽ đến phương thức bán hàng truyền thống.
Cũng theo số liệu của Statista, năm 2017, lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 28% tổng số người tiêu dùng. Đến năm 2020, số lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam đã chiếm gần 50%. Ước tính đến năm 2025, với dân số khoảng 100 triệu người, lượng người tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam sẽ chiếm hơn 70%.
Hoạt động kinh doanh TMĐT của Việt Nam đang nhanh chóng bắt nhịp và vượt qua các nước ASEAN khác. Trong cuộc khảo sát về TMĐT năm 2020 của Liên hợp quốc trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam xếp thứ 86, tăng 2 bậc.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đang tích cực hoàn thiện và phát triển TMĐT với mục tiêu trở thành một trong 4 quốc gia lớn ở Đông Nam Á vào năm 2025. Hiện tại, 40 triệu người mua sắm trực tuyến của Việt Nam chi tiêu trung bình khoảng 210 USD/năm, đứng thứ hai trong số các nước ASEAN.
Theo nhận định từ các chuyên gia, thị trường TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển khi tỷ lệ sử dụng Internet tăng lên, điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi hơn và niềm tin của người dân vào mua sắm trực tuyến cũng ngày càng tăng lên.
Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và Kinh tế số) cho biết, TMĐT xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra.
Với vai trò đồng hành cùng các DN đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế thông qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới, Chính phủ đã đưa ra các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu trực tuyến.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thành, thời gian qua, Cục TMĐT và Kinh tế số vẫn đang đẩy mạnh triển khai các đề án hỗ trợ DN xuất nhập khẩu Việt Nam tham gia TMĐT thông qua cung cấp các cơ hội giao thương trên Cổng Thông tin xuất nhập khẩu vietnamexport.com; cung cấp nền tảng hỗ trợ DN xuất nhập khẩu Việt Nam thông qua hệ sinh thái ecvn.com, ifair.vn...
“Năm 2023 và những năm tiếp theo, Cục sẽ cùng Amazon Global Selling tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo và hoạt động thực tế, nhằm nâng cao kỹ năng cho các DN Việt Nam tự tin gia nhập TMĐT xuyên biên giới một cách hiệu quả.
Còn theo bà Đỗ Hồng Hạnh- Giám đốc Quan hệ Đối tác Chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam, một số ngành hàng của Việt Nam được yêu thích trên Amazon như trang trí nhà cửa; chăn nệm, ga giường; trang trí nội thất; dụng cụ nhà bếp… Tuy nhiên, để chinh phục khách hàng trên Amazon, DN nên tập trung những sản phẩm thế mạnh, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên kết hợp với sự tinh xảo, khéo léo của các nghệ nhân.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hoà- Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết chi tiết về lộ trình để mỗi nhà bán hàng từng bước tiếp cận, tìm hiểu và chinh phục thành công với những sản phẩm thế mạnh trên Amazon. Đặc biệt, một trong những nội dung đáng chú ý là cơ hội cho nhà bán hàng mới trên Amazon sẽ được hoàn tiền 5% doanh số năm đầu cho các thương hiệu đã đăng ký; tiết kiệm 200 USD chi phí vận chuyển khi sử dụng FBA…
Theo số liệu thống kê, giá trị xuất khẩu của các DN Việt Nam bán hàng trên Amazon tăng hơn 45% so với năm 2022.
T.Hà