Sáng 4/11, tại Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cùng Đoàn công tác BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với BHXH tỉnh Quảng Ninh về kết quả thực hiện nhiệm vụ 10 tháng của năm 2021 và tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Vũ Xuân Hiển- Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến ngày 30/9/2021, BHXH tỉnh đã hoàn thành việc cấp thẻ BHYT cho 71.812 đối tượng là người DTTS sinh sống ở các xã mới ra khỏi diện khó khăn, người dân sinh sống ở các xã mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT.
Đến nay, toàn tỉnh cũng đã có 261.994 người tham gia BHXH, đạt 40,6% lực lượng lao động, trong đó gồm 243.068 người tham gia BHXH bắt buộc (đạt 98,43% kế hoạch và tăng 5.566 người so với cuối năm 2020); 18.926 người tham gia BHXH tự nguyện (đạt 68,35% kế hoạch và tăng 2.222 người so với cuối năm 2020); 231.768 người tham gia BH thất nghiệp (đạt 98,29% kế hoạch và tăng 5.359 người so với cuối năm 2020); 1.246.871 người tham gia BHYT (đạt 99,42% kế hoạch, tăng 10.022 người so với cuối năm 2020 và đạt tỷ lệ bao phủ 93,93% dân số).
Bên cạnh đó, trong 10 tháng của năm 2021, toàn tỉnh đã thu BHXH, BHYT được 4.866 tỷ đồng, tăng 161 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 76,6% kế hoạch. Tổng số nợ BHXH, BHYT tính đến tháng 10/2021 là 296,7 tỷ đồng, tăng 9,2 tỷ đồng so với cùng kỳ và chiếm 4,7% số phải thu của năm 2021. “Số nợ tăng so với tháng 9/2021 và tăng so với cùng kỳ năm trước là do ngân sách đóng BHYT chuyển vào tháng cuối quý”- ông Vũ Xuân Hiển lý giải.
Cũng theo ông Vũ Xuân Hiển, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NLĐ cũng như ngăn chặn các hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHXH tỉnh Quảng Ninh đã chủ động kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất và phối hợp thanh tra liên ngành tại các đơn vị SDLĐ. Kết quả, số tiền nợ trước thời điểm thanh tra là 3.363.717.690 triệu đồng; số tiền nợ đã khắc phục là 2.599.048.531 triệu đồng.
Đối với tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, theo ông Vũ Xuân Hiển, nhận thức tầm quan trọng của những chính sách này, thời gian qua, BHXH tỉnh đã chủ động, quyết liệt triển khai với nhiều giải pháp như: Bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, nhanh chóng ban hành các công văn thông báo tới các đơn vị SDLĐ về nội dung chính sách, cũng như hướng dẫn các phòng nghiệp vụ, BHXH các huyện, thành phố… các bước triển khai; thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ; tổ chức các đoàn hỗ trợ xuống trực tiếp các đơn vị SDLĐ gặp khó khăn để hỗ trợ…
Kết quả, toàn tỉnh đã hỗ trợ giảm mức đóng BH TNLĐ-BNN cho 5.583 đơn vị với 202.727 NLĐ và số tiền 63,779 tỷ đồng (12 tháng); hỗ trợ 3 đơn vị với 599 NLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 4,4 tỷ đồng. Đáng chú ý, sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến nay, BHXH tỉnh đã nhận danh sách đề nghị hỗ trợ từ các đơn vị SDLĐ với 173.859 NLĐ (trong tổng số 195.776 NLĐ thuộc diện hỗ trợ), trong đó đã chi hỗ trợ cho 147.168 NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp với số tiền 392 tỷ đồng; thẩm định và chi trả cho 6.509 NLĐ thuộc diện đã chấm dứt HĐLĐ; hỗ trợ giảm mức đóng BH thất nghiệp cho 5.293 đơn vị với 195.776 NLĐ và số tiền 132,342 tỷ đồng.
Phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện BHXH tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ. Theo đó, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg nêu rõ, NLĐ đang tham gia BH thất nghiệp tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP thì không được hưởng hỗ trợ, các đơn vị này cũng không được giảm đóng 1% BH thất nghiệp. Tuy nhiên, hiện không có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn trong việc xác định đối tượng hưởng đối với các đơn vị như: Ngân hàng Chính sách, Trung tâm Truyền thông, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Trung tâm Tư vấn pháp luật và huấn luyện ATLĐ thuộc LĐLĐ tỉnh…
Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 4 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg quy định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được giảm đóng, gửi cơ quan BHXH bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị sự nghiệp công được phân loại tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP là những loại văn bản nào (ví dụ: Quyết định thành lập, quyết định giao cơ chế tự chủ tài chính…), dẫn đến đơn vị lúng túng trong cung cấp hồ sơ, cơ quan BHXH thiếu căn cứ để xác định đối tượng hưởng...
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, BHXH tỉnh Quảng Ninh kiến nghị BHXH Việt Nam có hướng dẫn cụ thể về căn cứ để xác định đối tượng, giúp cơ quan BHXH thuận tiện trong việc xác định đối tượng giảm đóng và hưởng hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp; đồng thời hướng dẫn xử lý đối với các đơn vị không liên lạc được để gửi Mẫu 01 và các đơn vị không thực hiện được giảm 1% BH thất nghiệp…
Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà BHXH tỉnh Quảng Ninh đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; cũng như trong triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. “Bên cạnh việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, thì việc đưa các gói hỗ trợ nhanh chóng tới tận tay NLĐ và chủ SDLĐ trong lúc này được lãnh đạo Ngành chỉ đạo hết sức khẩn trương. Do đó, BHXH tỉnh cần tiếp tục triển khai các chính sách này theo đúng thời gian quy định”- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, với đặc thù là địa phương có nhiều KCN, số lượng NLĐ lớn, nên Quảng Ninh có nhiều điều kiện phát triển, mở rộng người tham gia BHXH, BHYT. Tuy nhiên, công tác phát triển người tham gia vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tình hình nợ đọng BHXH diễn biến phức tạp, đòi hỏi BHXH tỉnh cần tăng tốc, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tăng cường công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Nhận định khối lượng công việc trong những tháng cuối năm rất lớn, nhất là công tác phát triển đối tượng, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh yêu cầu BHXH tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt khó để “về đích”. Đặc biệt, cần tận dụng các lợi thế tại địa phương đang có như tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 cao để có thể bứt tốc hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Theo đó, cần tiếp tục triển khai rà soát, đối chiếu, xác định người tham gia BHXH bắt buộc theo dữ liệu do Cục Thuế và Sở KH-ĐT cung cấp; thực hiện quy trình khai thác, phát triển người tham gia linh hoạt theo từng vùng có tiềm năng...
Cùng với đó, BHXH tỉnh Quảng Ninh cần phát huy thế mạnh trong công tác CCHC; tăng cường ứng dụng CNTT, đẩy mạnh giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết các chế độ cho NLĐ, nhằm hướng tới sự hài lòng của người dân và DN. Đối với lĩnh vực chuyển đối số, cần tích cực triển khai các ứng dụng số của Ngành như VssID; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; tham mưu cho chính quyền địa phương xử lý nghiêm minh đối với những đơn vị trốn đóng hoặc có hành vi chiếm đoạt tiền BHXH cho NLĐ.
Thanh Hằng