Ngày 28/6, tại Nghệ An, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.
Thông tin tại Hội nghị, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, số người tham gia BHXH, BHYT mặc dù tăng so với cùng kỳ, nhưng xu hướng tăng chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraina khiến nhiều DN thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm hoặc làm luân phiên để giữ chân NLĐ; thậm chí có DN phải cho NLĐ nghỉ việc không hưởng lương, tạm hoãn hoặc chấm dứt HĐLĐ...
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội nghị
Chính những điều này đã tác động tiêu cực đến mục tiêu, nhiệm vụ phát triển người tham gia BHXH, BHYT và giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT của toàn Ngành. Đáng nói, có một số BHXH tỉnh, thành phố chưa triển khai quyết liệt, dẫn đến việc một số địa phương giảm số người tham gia BHXH bắt buộc hoặc giảm số người tham gia BHXH tự nguyện so với năm 2022...
Cũng theo BHXH Việt Nam, Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phát triển người tham gia BHXH, BHYT năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 tại Nghệ An nằm trong chuỗi hoạt động của Ngành trong năm 2023, nhằm khắc phục các khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao năm 2023; cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện hiệu quả hơn trong giai đoạn 2023-2025.
Chia sẻ những khó khăn chung của đất nước đang ảnh hưởng đến hoạt động của Ngành, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện khảo sát, nghiên cứu báo cáo kinh tế-xã hội của các tỉnh để tìm phương án, “kịch bản” phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Theo đó, mặc dù nền kinh tế đang đối diện với nhiều thách thức, nhưng không phải không có những tín hiệu lạc quan. Đáng chú ý, nhiều giải pháp của Chính phủ thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển (hỗ trợ thuế, lãi suất, khoanh nợ ngân hàng...) đã được triển khai; nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại thị trường Việt Nam; nhiều DN vẫn đang duy trì được lực lượng lao động...
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu lưu ý BHXH các địa phương cần phải xác định được tiềm năng và thế mạnh của mình, xây dựng kịch bản phát triển người tham gia phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, từ thực tiễn của từng địa phương, cơ quan BHXH cần xây dựng kịch bản tổng thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023.
“BHXH từng địa phương phải nắm chắc được tình hình của DN, NLĐ trên địa bàn. Từ đó, xác định cách thức mở rộng độ bao phủ người tham gia BHXH, BHYT; phải xác định được nhóm nào là đối tượng tiềm năng, cần phối hợp với đơn vị, tổ chức nào và thực hiện như thế nào?...”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh. Theo Phó Tổng Giám đốc, nhiệm vụ của Ngành ngày càng nhiều, lại thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nên việc bám sát thực tế từ mỗi đơn vị, cá nhân là yêu cầu bắt buộc và cũng là giải pháp hiệu quả nhất...
Tại Hội nghị, đại diện BHXH các địa phương và đại diện các tổ chức dịch vụ thu đã chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT; đồng thời thảo luận và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Trên tinh thần các kinh nghiệm, cách làm hay được chia sẻ, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, BHXH các địa phương cần tiếp tục thường xuyên trao đổi thông tin với các địa phương có mô hình hay để ứng dụng, cũng như tìm ra mô hình, giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ phù hợp tại địa phương mình. Bên cạnh đó, các vụ, ban nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi, theo dõi, đôn đốc, kịp thời đề xuất, tháo gỡ vướng mắc để BHXH các tỉnh, thành phố triển khai, thực hiện hiệu quả các nội dung theo hướng dẫn.
Thái An