Biến thể mới EG.5 của Omicron, còn được gọi là Eris, đang lây lan mạnh tại Mỹ, dẫn đến số ca nhập viện tăng trở lại lần đầu tiên trong năm nay, từ những ngày đầu tháng 8.
Theo các ước tính, biến thể Eris đang gây ra khoảng 17% số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ. Nguyên nhân được xác định là do thời tiết nắng nóng, khiến nhiều hoạt động được chuyển sang tổ chức trong nhà, thay vì ngoài trời. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi nhiều người bị suy giảm hệ miễn dịch dù trước đó đã tiêm vắc xin đầy đủ.
Trong tuần cuối tháng 7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo số ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ đã tăng 43% so với tuần cuối tháng 6.
Sau khi chứng kiến sự gia tăng và mức độ lây lan rộng khắp của EG.5, vào ngày 9/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định biến thể mới này là rất "đáng quan tâm" và được cho là dễ lây truyền hơn các biến thể đang phổ biến khác. Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác như Anh, Pháp và Nhật Bản cũng đối mặt với số ca tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Theo báo cáo của WHO từ ngày 10/7 đến 6/8, toàn thế giới có gần 1,5 triệu ca nhiễm COVID-19 mới, tăng 80% so với 4 tuần trước đó. Tuy nhiên, số ca tử vong do COVID-19 giảm 57%, còn 2.500 ca, trong cùng giai đoạn.
WHO cảnh báo, những con số nêu trên không phản ánh đúng tình hình dịch bệnh thực tế, bởi nhiều nước đã lơ là hơn trong việc tiến hành các xét nghiệm hoặc kiểm soát dịch bệnh so với thời kỳ đầu dịch bệnh bùng phát. WHO đánh giá "Eris" dường như dễ lây truyền hơn các biến thể khác đang lưu hành, có thể là do đột biến protein. Biến thể này cho thấy khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn và hiện đã xuất hiện tại 45 quốc gia.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy EG.5 gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và WHO xác định biến thể này có nguy cơ "thấp" đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Mặc dầu vậy, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng "vẫn có nguy cơ xuất hiện một biến thể nguy hiểm hơn có thể gây ra sự gia tăng đột ngột về số ca mắc và tử vong". Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Aurelien Rousseau cũng kêu gọi nâng cao cảnh giác trước diễn biến của dịch COVID-19.
Giáo sư y khoa Jesse Goodman tại Đại học Georgetown (Mỹ) khuyến cáo, sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 hiện nay không phải là sự bùng phát toàn cầu nhưng người dân cần phải cảnh giác với dịch bệnh, đặc biệt là đối với những đối tượng dễ bị tổn thương và những người đang mang bệnh nền.
Trong bối cảnh trên, WHO kêu gọi các quốc gia tăng cường nỗ lực tiêm chủng. Theo các chuyên gia y tế, những người có nguy cơ mắc bệnh nên cân nhắc việc tiêm nhắc lại các vắc xin có trên thị trường và việc sử dụng khẩu trang vẫn là một lựa chọn. Những người dễ bị tổn thương khi có các triệu chứng cần đi xét nghiệm ngay để sớm được điều trị bằng thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer, giúp giảm nguy cơ nhập viện và nguy cơ tử vong.
Ngọc Tuấn