Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ước tính 76% trẻ dưới 18 tuổi ở Nam Á- tương đương 460 triệu em phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao, đồng nghĩa cứ 4 trẻ ở Nam Á thì có 3 em phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao.
Thông báo của UNICEF cho biết tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt nắng nóng sẽ còn tăng lên trong tương lai do vấn đề biến đổi khí hậu. Trong số các khu vực, Nam Á có tỷ lệ trẻ em tiếp xúc với nhiệt độ cực cao cao nhất, với 76% số trẻ ở dưới 18 tuổi trong khu vực, khoảng 460 triệu người, phải trải qua 83 hoặc nhiều ngày hơn thế trong năm với nhiệt độ vượt quá 35 độ C.
"Số liệu trên đồng nghĩa với việc 3/4 trẻ em ở Nam Á tiếp xúc với nhiệt độ cực cao. Đây là mức chênh lệch khi so sánh với tỷ lệ 1/3 trên toàn cầu. Cuộc sống và niềm vui của hàng triệu trẻ em ở Nam Á đang ngày càng bị đe dọa bởi nắng nóng và nhiệt độ cao. Các quốc gia trong khu vực này chưa phải những nước nóng nhất trên thế giới vào thời điểm này nhưng sức nóng ở đây mang tới mối đe dọa liên quan tới tính mạng cho hàng triệu trẻ em dễ bị tổn thương. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi, trẻ suy dinh dưỡng hay phụ nữ mang thai, vì họ dễ bị say nắng và chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác", ông Sanjay Wijesekera- Giám đốc khu vực Nam Á của UNICEF UNICEF cho biết.
UNICEF cảnh báo thêm, hệ lụy sẽ trở nên trầm trọng hơn đối với trẻ em vì chúng không thể nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ như vậy. Có nhiều rủi ro có thể đe dọa đến tính mạng các em, từ ngất xỉu, kém phát triển trí tuệ đến rối loạn chức năng thần kinh, co giật và các bệnh tim mạch. Cũng theo UNICEF, phụ nữ mang thai cũng đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ cao và có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
"Trẻ nhỏ không thể chịu được cái nóng. Trừ khi chúng ta hành động ngay bây giờ, nếu không thì những đứa trẻ này sẽ tiếp tục gánh chịu hệ lụy của những đợt nắng nóng thường xuyên hơn và khắc nghiệt hơn trong những năm tới. Trong khi tất cả điều này không phải do lỗi của chúng", ông Wijesekera nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, khủng hoảng khí hậu sẽ khiến những đợt nắng nóng trở nên thường xuyên hơn, vì thế càng thử thách khả năng thích ứng của nhiều khu vực, trong đó có Nam Á.
Ấn Độ- quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ người, thường chịu nắng nóng trong các tháng hè 5 và 6, nhưng những năm gần đây, các đợt sóng nhiệt đến sớm hơn và kéo dài hơn. Nhiệt độ ở một số vùng của Ấn Độ trong tháng 6 năm nay vọt lên 47 độ C, khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hàng trăm người mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ cao. Ở một số nơi, nắng nóng khiến trường học phải đóng cửa, mùa màng bị hư hại và gây áp lực lên nguồn cung cấp năng lượng.
Tại Pakistan, một số thành phố cũng ghi nhận mức nhiệt độ cao tương tự. Ở các vùng thuộc tỉnh Sindh phía Nam của Pakistan, khoảng 1,8 triệu người đã phải tiếp xúc với nhiệt độ từ 40 độ C trở lên. Tình cảnh này gây lo ngại về những rủi ro liên quan sức khỏe, cả về ngắn hạn và dài hạn, bao gồm mất nước và suy nội tạng, đặc biệt là đối với những ai phải làm việc ngoài trời nhiều giờ và người nghèo không có điều hòa hoặc các phương tiện làm mát.
Tại Afghanistan, các chuyên gia cảnh báo mối đe dọa từ nắng nóng là đặc biệt nặng nề vì nước này không chỉ hứng chịu các mức nhiệt cao kỷ lục mà còn phải đối mặt với những tác động phức tạp do các vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng.
Hoàng Dương