Theo dữ liệu được Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc công bố hồi đầu tháng 7, số cơ sở chăm sóc người cao tuổi trong giai đoạn này tăng vọt từ 76.000 năm 2017 lên xấp xỉ 90.000 vào năm 2022. Các cơ sở chăm sóc này bao gồm viện dưỡng lão, bệnh viện chuyên khoa, các cơ quan phúc lợi giúp bảo vệ hoặc hỗ trợ người cao tuổi trong các dịch vụ xã hội.
Trái với xu hướng nói trên, nhiều cơ sở trông giữ trẻ và trường học ở Hàn quốc lại phải đóng cửa vì thiếu học sinh. Năm 2017, nước này có 40.000 cơ sở trông giữ trẻ nhưng đến cuối năm 2022 đã giảm gần 25%, còn 30.900.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, bức tranh đối lập nêu bật thực trạng đáng buồn xảy ra nhiều năm qua tại Hàn Quốc- một trong nước có dân số già hóa nhanh nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Theo đó, tỷ lệ sinh tại nước này đã giảm liên tục từ năm 2015 dù các nhà chức trách đã thực hiện nhiều ưu đãi tài chính, trợ cấp nhà ở cho các cặp vợ chồng sinh thêm con. Giới chuyên gia nhận định, tỷ lệ sinh thấp kỷ lục tại Hàn Quốc chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm văn hóa làm việc khắt khe, tiền lương trì trệ, chi phí sinh hoạt tăng, gánh nặng tài chính khi nuôi dạy con cái, thay đổi quan điểm về hôn nhân, bình đẳng giới và cả những khó khăn ngày càng chồng chất đối với thế hệ trẻ.
Hồi cuối thập niên 2000, chính phủ Hàn Quốc cảnh báo cần thực hiện nhiều biện pháp chính sách khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tháng 9/2022, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết Hàn Quốc đã chi hơn 200 tỷ USD với nỗ lực nhằm tăng dân số trong 16 năm qua. Mặc dù vậy, mọi nỗ lực đến nay vẫn chưa có kết quả rõ rệt, trong khi tình trạng già hóa dân số ngày càng tác động mạnh mẽ đến kết cấu xã hội và cuộc sống thường ngày.
Theo các số liệu chính thức, Hàn Quốc có tỷ lệ người già nghèo cao nhất trong các quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Theo đó hơn 40% người Hàn Quốc trên 65 tuổi đang phải đối mặt với tình trạng "nghèo tương đối", nghĩa là có thu nhập thấp hơn 50% thu nhập khả dụng trung bình của một hộ gia đình, theo định nghĩa của OECD.
"Ở Hàn Quốc, hệ thống lương hưu vẫn đang hoàn thiện và các thế hệ hiện tại vẫn có mức lương hưu rất thấp"- OECD nêu trong báo cáo năm 2021.
Các chuyên gia phân tích cho biết, sự ra đời của ngày càng nhiều các viện dưỡng lão có thể làm giảm bớt gánh nặng già hóa dân số ở Hàn Quốc nhưng tương lai của nền kinh tế này sẽ đứng trước nhiều thử thách do thành phần dân số trẻ- nhóm đối tượng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và lương hưu giảm dần. Người già ngày càng nhiều cũng dẫn tới sự bùng nổ nhu cầu về các dịch vụ dành cho người cao tuổi, gây căng thẳng cho một hệ thống đang cố gắng bắt kịp xu hướng này.
Cơ quan Thống kê Hàn Quốc dự đoán, với xu hướng như hiện nay, đến năm 2025, Hàn Quốc sẽ đạt 20,6% dân số cao tuổi và nước này sẽ chính thức bước vào giai đoạn xã hội siêu già.
Hoàng Dương