Tổ chức HelpAge Cambodia thông tin, tình trạng nghèo đói ở người cao tuổi Cambodia đang ở mức nghiêm trọng: “Cứ 4 người cao tuổi thì một người sống dưới mức nghèo khổ” và hơn “80% người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn với cơ sở hạ tầng, nguồn lực hạn chế”.
Cambodia có mạng lưới ASXH không thực sự bao phủ đầy đủ các đối tượng trong xã hội. Hệ thống lương hưu cũng hạn chế, chỉ mở rộng cho người làm việc trong khu vực công. Do đó, nhiều người cao tuổi Cambodia chưa có sự đảm bảo về tài chính, vẫn phải tiếp tục làm việc- mà công việc đa phần đòi hỏi nhiều sức lao động, bất chấp các vấn đề về sức khỏe. Thêm vào đó, tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên biết chữ chỉ ở mức 53,1%, ảnh hưởng đến thu nhập, cũng như thời điểm nghỉ hưu hợp lý của họ.
Đáng chú ý, có một bộ phận người cao tuổi ở Cambodia trải qua và sống sót sau nạn diệt chủng từ năm 1975- 1979 dưới sự thống trị của Khmer Đỏ và trước đó là cuộc nội chiến năm 1970. Nghiên cứu cho thấy, nạn diệt chủng đã dẫn đến cái chết của 75% các nhà giáo dục ở Campuchia và 96% sinh viên Đại học. Việc này dẫn đến cả một thế hệ trẻ em thời điểm đó không được học hành và ngày nay, một phần người cao tuổi mù chữ.
Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động lớn đến tình trạng nghèo đói của người cao tuổi Cambodia. Một nghiên cứu năm 2021 do Tổ chức HelpAge thực hiện cho thấy, tác động của đại dịch đối với người người cao tuổi Cambodia nghiêm trọng hơn dự đoán. Khoảng 55% người tham gia nghiên cứu cho biết, đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập chung của hộ gia đình họ; bản thân hoặc con cái họ mất việc làm; thu nhập của bản thân hoặc con cái họ giảm sút; tiền con cái chu cấp cho một bộ phận người cao tuổi bị trì hoãn hoặc giảm sút đáng kể. Ngoài ra, 72% người tham gia xác nhận, họ không nhận được hỗ trợ thực phẩm đầy đủ để đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu hằng ngày; 85% tiết lộ, họ không nhận được hỗ trợ đầy đủ để mua được các loại thuốc và vật tư y tế cần thiết.
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, dân số già ở Cambodia đi kèm với nhiều điều bất lợi, chẳng hạn như “sự suy giảm dân số trong độ tuổi lao động”; “sự gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe”; “sự phụ thuộc vào hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức xã hội, gia đình”… Vào tháng 7/2022, Chính phủ Campuchia ra mắt Quỹ Hưu trí An sinh xã hội dành cho NLĐ khu vực tư nhân, hướng đến hỗ trợ người cao tuổi khu vực này trong tương lai.
Còn về các tổ chức phi chính phủ, Habitat for Humanity Cambodia tập trung vào lĩnh vực nhà ở an toàn, giá cả phải chăng, cung cấp đầy đủ nước sạch và năng lượng cho người nghèo. Bằng nỗ lực của mình, kể từ năm 2003, Tổ chức “đã giúp [hơn] 22.000 hộ gia đình củng cố sự ổn định và phát huy khả năng tự lực cánh sinh thông qua cung cấp nơi ở phù hợp”. HelpAge là tổ chức hoạt động nhằm cải thiện cuộc sống của người cao tuổi trên khắp thế giới. Với một văn phòng quốc gia ở Cambodia, HelpAge đã hợp tác với Bộ Y tế Campuchia từ năm 1992. Các dự án của HelpAge liên quan đến việc xây dựng “các cộng đồng hòa nhập với người cao tuổi và có khả năng chống chọi với thảm họa ở Cambodia”. Những hoạt động đầu tiên của HelpAge ở Cambodia gắn liền với việc chăm sóc nhãn khoa cho người cao tuổi.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)