Sáng 8/9, các đại biểu tham dự Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Rà soát kỹ một số hành vi bạo lực gia đình
Báo cáo một số vấn đề lớn về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, về hành vi bạo lực gia đình (Điều 3), một số ý kiến ĐBQH đề nghị, Khoản 1 quy định khái quát thành các nhóm hành vi bạo lực gia đình; đồng thời cũng có một số ý kiến góp ý về nội dung của một số điểm quy định về hành vi bạo lực gia đình.
Nhiều ý kiến cũng nhất trí với quy định tại Khoản 2, tuy nhiên đề nghị rà soát kỹ, bởi một số hành vi bạo lực gia đình quy định tại Khoản 1 không áp dụng được đối với đối tượng được mở rộng quy định tại Khoản 2. Hoặc cũng có ý kiến đề nghị bỏ khoản này; bỏ đối tượng áp dụng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng; có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng là “người tình” của vợ, chồng đã ly hôn và con riêng của vợ, chồng hoặc của người đang chung sống với nhau như vợ chồng, con riêng của người đã ly hôn.
Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ không hoặc chưa kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng, hoặc có trường hợp vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và Gia đình, song là mối quan hệ rất đặc thù dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống, từ đó gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực.
Ngoài ra, còn có nhiều vụ việc bạo lực gia đình liên quan đến thành viên gia đình của người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng. Xuất phát từ nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình “lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm”, thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ mối quan hệ gia đình giữa những đối tượng này và giữa những đối tượng này với người thân của hai bên cũng cần thiết phải áp dụng quy định của luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình.
Do vậy, trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Thường trực Ủy ban Xã hội chỉnh lý dự thảo luật như thể hiện tại Khoản 2 Điều 3 và giao Chính phủ quy định chi tiết Khoản này.
Cần quy định rõ hơn khái niệm về bạo lực gia đình
Đa số ĐBQH cơ bản nhất trí với những nội dung trong dự thảo luật và đánh giá cao những tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo đối với dự thảo luật lần này. Liên quan đến khái niệm “bạo lực gia đình”, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho biết, tại Khoản 1 Điều 2 về giải thích từ ngữ quy định khái niệm về bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
“Nếu so sánh với toàn bộ các quy định tại Điều 3 về hành vi bạo lực gia đình, có rất nhiều hành vi, bao gồm cả những hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực để gây tổn hại đến cả thể chất, tinh thần, làm sang chấn tâm lý của các thành viên trong gia đình. Do vậy, nếu chỉ quy định khái niệm như dự thảo luật là chưa rõ. Vì vậy, cần quy định rõ hơn khái niệm về bạo lực gia đình theo hướng bao hàm trọn vẹn, toàn bộ những hành vi được quy định trong Điều 3; đồng thời phải bảo đảm thống nhất với tất cả các hành vi quy định trong Bộ luật Hình sự về những tội danh như hành hạ, ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái, ông bà, tội làm nhục người khác…”- ĐB Đức nêu.
Bày tỏ sự tán thành khi dự thảo luật bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc khi có căn cứ hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình từ chối, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nhấn mạnh, việc quy định như dự thảo có ý nghĩa rất quan trọng, kịp thời chấm dứt, khắc phục các hậu quả về bạo lực gia đình.
Theo ĐB Thanh, Điều 3 của dự thảo luật quy định về việc “cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính”. Vì vậy, ĐB đề nghị cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng quy định này, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền và nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục con cái của cha mẹ. Bên cạnh đó, cũng phải làm rõ khái niệm như thế nào là lao động quá sức, học tập quá sức và hậu quả của việc ép buộc này cụ thể như thế nào để tránh chồng chéo với các luật hiện hành.
Dưới góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, Ban soạn thảo cần làm rõ Điều 3 của dự án luật về các hành vi bạo lực gia đình cùng 15 nhóm quy định chung với toàn bộ các chế tài như: Tố giác, báo tin, cưỡng chế... Bởi, nếu không làm rõ, thì có thể tạo nên hiệu ứng phức tạp, ngược tác dụng. Với 15 nhóm quy định hành vi bạo lực gia đình thì phải quy định rất rõ tính chất, mức độ, hành vi và đề nghị Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó, có thể xếp các hành vi bạo lực gia đình theo nhóm: Bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và các hành vi bạo lực khác; cũng như xác định mức độ của các hành vi bạo lực này để cơ quan chức năng áp dụng các loại chế tài phù hợp.
Góp ý vào dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cho rằng, cần cung cấp thêm thông tin và giải thích thêm về hành vi tại sao có sự cố ý bạo lực gia đình. Theo ĐB, Luật Phòng chống bạo lực gia đình không hạn chế việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự với các vi phạm pháp luật xảy ra trong gia đình. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật mà xảy ra trong gia đình đều có thể xử lý hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật có liên quan. Và, Luật Phòng chống bạo lực gia đình đưa ra các biện pháp đặc thù để xử lý hành vi bạo lực gia đình.
“Cùng một hành vi gây thương tích cho người trong gia đình, nhưng nếu vô ý gây thương tích, thì không thể cách ly họ, mà chỉ cần giáo dục, thuyết phục... để xử lý vấn đề, vì mục tiêu chính là bảo vệ gia đình”- ĐB Mai phân tích.
Nguyệt Hà