Đại dịch Covid-19 khiến các tổ chức ASXH trên thế giới phải thay đổi góc nhìn trong quá trình xây dựng chính sách, chú trọng hơn đến các chế độ hỗ trợ ngắn hạn, trong đó chế độ ốm đau đóng vai trò quan trọng hơn cả.
Hỗ trợ thiết thực cho NLĐ
Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra và lan rộng toàn cầu, chế độ ốm đau là công cụ quan trọng để hỗ trợ kịp thời NLĐ phải nghỉ việc làm do nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly phòng dịch, chăm sóc con cái, người thân… Một số quốc gia đã nới rộng điều kiện hưởng để tạo thuận lợi hơn cho NLĐ.
Đơn cử như ở Ireland, việc nhận trợ cấp ốm đau bằng tiền mặt được thực hiện ngay thay vì phải qua thời gian chờ đợi giải quyết hồ sơ như trước kia. Các quốc gia như Canada, Đan Mạch, Thụy Điển, Hoa Kỳ cũng có cách làm tương tự khi cố gắng rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ.
Tại Nhật Bản, NLĐ được hưởng chế độ ốm đau ngay cả khi thuộc diện nghi nhiễm, có tiếp xúc gần với người nhiễm trước đó và phải nghỉ việc để cách ly y tế; yêu cầu về giấy chứng nhận y tế cũng đã được miễn. Còn tại Tây Ban Nha, chế độ hưởng còn được thực hiện với cả những lao động phi chính thức qua đó giúp họ có nguồn thu nhập thay thế bổ sung khi nhiễm Covid-19.
Tại một số quốc gia, việc nhiễm Covid-19 tại nơi làm việc còn được xem là bệnh nghề nghiệp, một dạng tai nạn lao động và cũng được hưởng chế độ hỗ trợ nhất định.
Tại Việt Nam, số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy, chế độ ốm đau luôn có số lượt hưởng cao nhất trong các chế độ được quy định tại Luật BHXH. Cụ thể, giai đoạn 5 năm gần đây, đã có tổng cộng hơn 44,86 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, bình quân là 7,47 triệu lượt/năm; trong đó, số lượt người hưởng cao nhất được ghi nhận trong 1 năm lên tới trên 9,1 triệu lượt. Trong 3 tháng đầu năm 2022, do số ca nhiễm COVID-19 tăng cao, số lượt người hưởng chế độ ốm đau cũng đang tăng lên, đạt trên 2 triệu lượt người hưởng; riêng trong tháng 3 vừa qua, ghi nhận 913.245 lượt người hưởng.
Yêu cầu cải cách chính sách
Mặc dù đã được nhìn nhận với vai trò quan trọng hơn với việc đảm bảo an sinh cho NLĐ, tuy nhiên, chế độ ốm đau vẫn được đánh giá là cần có nhiều cải cách để phát huy hiệu quả thiết thực nữa.
Chẳng hạn như tại Hàn Quốc, mặc dù đã được quy định trong Luật BHYT nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều hạn chế, một phần là do thiếu nguồn lực bổ sung khi nhu cầu hưởng tăng cao. Từ năm 2022, Hàn Quốc đã có kế hoạch triển khai thí điểm tại 06 khu vực, thực hiện 03 loại trợ cấp ốm đau khác nhau, với tỷ lệ hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu.
Theo Hiệp hội ASXH quốc tế (ISSA), ghi nhận tại nhiều quốc gia đang dần mở rộng trợ cấp ốm đau cho NLĐ, nhất là với nhóm lao động phi chính thức. Tuy nhiên, để thực hiện các chính sách này sẽ gặp phải nhiều thách thức, đòi hỏi sự cải cách mang tính linh hoạt trong bối cảnh thực tiễn đang thay đổi nhanh chóng.
Bên cạnh việc sửa đổi chính sách, yêu cầu nâng cao hiệu quả của hệ thống giải quyết hồ sơ hưởng cũng là một vấn đề. Trong làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19, hầu hết các quốc gia đều ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng các hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau. Để đáp ứng yêu cầu, nhiều quốc gia đã phải triển khai các giải pháp tình thế. Tại Pháp, các quy trình thủ tục được đơn giản hóa; tại Đức, Na Uy, Ý việc xác nhận tình trạng bệnh (ốm đau) được tăng cường thực hiện bằng điện thoại hoặc trực tuyến.
Tại Phần Lan, quốc gia có mức độ ứng dụng kỹ thuật số cao là một trong những ví dụ tiêu biểu về việc giải quyết hồ sơ hưởng chế độ ốm đau theo hình thức trực tuyến. Theo Viện ASXH Phần Lan (KELA), các ứng dụng trực tuyến đã giải quyết khoảng 73% hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ốm đau từ NLĐ. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia cho thấy hiệu quả khi ứng dụng hệ thống trực tuyến để giải quyết chế độ ốm đau cho NLĐ; theo đó, các báo cáo đánh giá tình trạng sức khỏe được chuyển đến cơ quan ASXH dưới dạng hồ sơ điện tử, giúp cho việc giải quyết chế độ nhanh hơn đáng kể.
Tại Peru, Viện BHYT xã hội (Seguro Social de Salud – EsSalud) đã triển khai một ứng dụng dành cho người tham gia (Ventanilla Integrada Virtual del Asegurado - VIVA), qua đó thiết lập một kênh mới để thực hiện thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, nâng cao chất lượng phục vụ.
Việc ứng dụng công nghệ trong việc thực hiện các thủ tục hành chính cũng như giải quyết chế độ cũng góp phần đáng kể ngăn chặn tình trạng lạm dụng trục lợi. Theo Quỹ Bảo hiểm bệnh tật Quốc gia (Caisse nationale de l'assurance maladie - CNAM), ở Pháp, khoảng 8% các khoản thanh toán trợ cấp ốm đau được tính toán không chính xác. Các trường hợp gian lận có thể xảy ra từ việc mượn/giả hồ sơ với tên của người khác; kê khai bảng lương/thu nhập không đúng, cao hơn thực tế; chỉ định y tế quá mức cần thiết… để nhằm hưởng chế độ cao hơn. Pháp đã phát triển các biện pháp ngăn chặn hiệu quả với các mã nhận dạng kỹ thuật số duy nhất cung như các công cụ phát hiện và ngăn ngừa trục lợi.
Theo đánh giá của ISSA, khi xây dựng chính sách hợp lý và thực thi hiệu quả, chế độ ốm đau không chỉ đóng vai trò hỗ trợ ngắn hạn, quan trọng hơn, nó còn là công cụ để đảm bảo NLĐ có thể tham gia thị trường lao động bền vững, hạn chế tối đa việc phải rút khỏi thị trường lao động do mắc các loại bệnh mạn tính dẫn đến phải nghỉ hưu sớm.
ISSA nêu khuyến nghị, tốt nhất, các chính sách trợ cấp ốm đau nên được xây dựng với một chương trình phòng ngừa toàn diện, đặc biệt liên quan đến các rối loạn tâm thần và trợ cấp phục hồi chức năng cho các bệnh tật (hoặc chấn thương) làm suy giảm khả năng lao động.
Rõ ràng, từ đại dịch COVID-19 có thể thấy, dư địa cải cách với chế độ ốm đau còn rất nhiều; bao gồm cải thiện chế độ hưởng cũng như mở rộng nhóm NLĐ được hưởng. Dù thay đổi theo hướng nào đi chăng nữa, mục tiêu cuối cùng vẫn phải là đảm bảo an sinh tốt hơn cho NLĐ trong bối cảnh các khó khăn, thách thức đang xuất hiện nhiều hơn, nhanh hơn.
Minh Đức