Đây là khuyến nghị được Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) đưa ra nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm nay.
Theo Tổ chức Viễn thông Quốc tế (ITU), chỉ có khoảng 63% phụ nữ trên thế giới sử dụng Internet, trong khi tỷ lệ này đối với nam giới là 69%. Sự chênh lệch số hóa thể hiện qua tỷ lệ truy cập Internet giữa nam và nữ được ghi nhận lớn nhất tại khu vực Châu Phi và Châu Á-Thái Bình Dương.
Ảnh minh họa
Xuất phát từ thực tế này, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề cho Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm nay là “DigitALL: Đổi mới và công nghệ cho bình đẳng giới”. Hưởng ứng chủ đề này, ISSA cũng đưa ra thông điệp kêu gọi bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình chuyển đổi số lĩnh vực an sinh xã hội, tạo cơ hội thuận lợi hơn cho nữ giới tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội đang được số hóa một cách mạnh mẽ.
Theo khảo sát của ISSA, 52% tổ chức an sinh xã hội tại các quốc gia thừa nhận rằng, phụ nữ đối mặt với những thách thức khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến về an sinh xã hội, trong khi tỷ lệ này với nam giới chỉ có 30%.
“Nỗ lực của chúng ta là phải đạt bao phủ an sinh xã hội đến toàn dân và chênh lệch hay thậm chí là bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ kỹ thuật số về an sinh xã hội phải được giảm thiểu” - ông Marcelo Abi-Ramia Caetano- Tổng Thư ký ISSA nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, tại các quốc gia, vấn đề này đã được nhìn nhận và từng bước khắc phục. Đơn cử, tại Tây Ban Nha, đại diện Viện BHXH Quốc gia (Instituto Nacional de la Seguridad Social- INSS) của nước này đã bình luận: "Vấn đề này đang được quan tâm và khắc phục dần; tín hiệu lạc quan là mức chênh lệch về giới đang giảm dần với nhóm lao động nữ trẻ tuổi".
Còn tại Pháp, ông Isabelle Sancerni- đại diện Quỹ Trợ cấp Gia đình Quốc gia cũng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh số hóa gia tăng, các giải pháp hiện đại hóa cần chú trọng đến nhóm nữ giới, để đảm bảo họ có thể tiếp cận và thụ hưởng một cách dễ dàng hơn các quyền lợi cơ bản như nghỉ thai sản, chăm sóc trẻ nhỏ hay các dịch vụ KCB".
Về phía ISSA, các nỗ lực nhằm xóa bỏ bất bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội cũng đã và đang được tích cực triển khai trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, giải pháp đào tạo, nâng cao kỹ năng về công nghệ với nữ giới được ISSA khuyến nghị các tổ chức thành viên chủ động thực hiện.
Bên cạnh đó, quá trình tăng cường hợp tác và đổi mới từ tổ chức an sinh xã hội của các quốc gia cũng được khuyến nghị chú trọng xóa bỏ các vấn đề gây bất bình đẳng giới; qua đó đảm bảo an sinh cho nữ giới một cách bền vững hơn.
Minh Đức