Người cao tuổi (NCT) là nhóm người có nguy cơ suy giảm sức khỏe sau thời gian dài làm việc, cống hiến. Đặc biệt, khi sức khỏe giảm sút, thì ốm đau, bệnh tật cũng thường “hỏi thăm” và có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vì vậy, với thế hệ “cây cao bóng cả” này, việc có tấm thẻ BHYT phòng thân vô cùng cần thiết.
Sau hơn 30 năm công tác, cụ Nguyễn Thị Hồng nghỉ hưu và sinh sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội). Chừng hơn chục năm sau, sức khỏe cụ Hồng có dấu hiệu đi xuống, rồi cụ trở thành “vị khách bất đắc dĩ”- bệnh nhân ngoại trú của BV E (Hà Nội) với căn bệnh cao huyết áp, xương khớp và bệnh đường tiết niệu. Từ đó, đều đặn mỗi tháng, cụ Hồng lại đến BV khám, lấy thuốc điều trị ngoại trú; và cứ mỗi 6 tháng lại đến khám tổng thể sức khỏe một lần.
Nhiều NCT đến khám bệnh BHYT tại BV E
Mới đây, do nắng nóng kéo dài nên huyết áp của cụ Hồng tăng cao bất thường. Vào BV thăm khám, bác sĩ chỉ định cho cụ Hồng làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu và kỹ thuật cận lâm sàng, thăm dò chức năng… Ngày xuất viện, nhìn tờ hóa đơn chi phí KCB được quỹ BHYT chi trả lên đến gần 10 triệu đồng, cụ Hồng thở phào xúc động: “Người già chúng tôi thường có đến vài ba bệnh. Tiền ăn chả đáng là bao, nhưng tiền thuốc chữa bệnh, tiền đi viện mới nhiều. Nếu không có thẻ BHYT thì tiền ăn, tiền thuốc chả đủ…”.
Dù rất chịu khó rèn luyện, nhưng cụ Phạm Văn Bích (82 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cảm nhận rõ sức khỏe của mình đang “xuống dốc” nhanh. Thấy hiện tượng mắt mờ hẳn đi, cụ vào BV E khám và được bác sĩ chỉ định mổ thay thủy tinh thể cả 2 mắt. Tuổi cao nên khi nghe nói đến mổ xẻ, cụ Bích rất lo lắng, nhất là về vấn đề tài chính. Mỗi lần thấy hàng xóm kể chuyện có người nọ, người kia thay thủy tinh thể hết vài chục triệu đồng, khiến cụ càng do dự, bởi chưa biết lấy đâu ra tiền.
Chỉ khi được con cháu động viên, cụ Bích mới quyết định mổ thay thủy tinh thể. Sau mổ, mắt cụ Bích dần sáng trở lại bình thường. Và, điều làm cụ mừng hơn là được quỹ BHYT thanh toán gần như toàn bộ chi phí. “Tấm thẻ BHYT tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa rất lớn, đó là đóng góp khi lành- để dành khi ốm. Với tôi, đó là tấm thẻ vàng, là chỗ dựa về tinh thần, về sức khỏe lúc về già…”- cụ Bích chia sẻ.
Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có 13,9 triệu NCT có thẻ BHYT. Tính đến ngày 28/5/2023, có hơn 22,4 triệu lượt NCT đi KCB BHYT (chiếm 41% tổng số lượt KCB BHYT toàn quốc), với tổng chi phí được quỹ BHYT thanh toán lên tới hơn 17.704 tỷ đồng (chiếm 48% tổng chi phí KCB BHYT toàn quốc).
Để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là NCT được tốt, cơ quan BHXH đã ký hợp đồng KCB BHYT với 2.830 cơ sở KCB. Trong đó gồm 1.784 cơ sở công lập, 1.046 cơ sở ngoài công lập- tương ứng với 46 cơ sở tuyến Trung ương, 563 cơ sở tuyến tỉnh, 2.088 cơ sở tuyến huyện, 133 y tế cơ quan (tương đương tuyến xã). Ngoài ra, có gần 10.000 trạm y tế thực hiện KCB BHYT thông qua hợp đồng với các BV hoặc TTYT.
Có thể thấy, bệnh tật luôn gia tăng theo tuổi tác. Tuy nhiên, với phương châm NCT phải được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT, không để ai bị bỏ lại phía sau, nên BHXH Việt Nam đề ra mục tiêu hết năm 2023 phấn đấu đạt 100% NCT có thẻ BHYT. Bên cạnh đó, ưu tiên, chú trọng NCT có hoàn cảnh khó khăn, là đối tượng nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS; phối hợp với Bộ Y tế nâng cao chất lượng KCB, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân nói chung và NCT nói riêng. Đáng chú ý, tiếp tục vận động các nguồn lực hỗ trợ mua tặng thẻ BHYT cho NCT (từ 60 đến dưới 80 tuổi) không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và có hoàn cảnh khó khăn, góp phần chăm sóc sức khỏe NCT được hiệu quả.
Châu Anh