Ngày 26/5, Đoàn Giám sát của HĐQL BHXH làm việc tại BHXH tỉnh Hà Tĩnh nghe báo cáo, thảo luận về công tác thực hiện các chính sách ASXH (BHXH, BHYT, BH thất nghiệp).
Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện chính sách
Đoàn Giám sát do ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên HĐQL BHXH làm Trưởng đoàn, cùng sự tham gia của ông Chu Mạnh Sinh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc HĐQL, VCCI và BHXH Việt Nam.
Đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với đoàn Giám sát là ông Nguyễn Trí Lạc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH, Lãnh đạo Sở Y tế, Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh... và ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc BHXH tỉnh, Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các huyện, thị xã trên địa bàn; Bưu điện tỉnh, đại diện DN, cơ sở KCB...
Đây là hoạt động nằm trong Kế hoạch số 584/HĐQL-BHXH ngày 06/3/2023 của HĐQL BHXH về việc thực hiện Kế hoạch giám sát tại BHXH các tỉnh, thành phố; và văn bản số 1394/HĐQL-BHXH ngày 15/5/2023 của HĐQL về việc thực hiện kế hoạch giám sát của HĐQL BHXH tại tỉnh Hà Tĩnh.
Ghi nhận sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan BHXH trên địa bàn Hà Tĩnh, đặc biệt là phản ứng kịp thời đảm bảo quyền lợi từ các chính sách ASXH cho người dân trong giai đoạn dịch Covid-19, ông Hoàng Quang Phòng bày tỏ hy vọng mối liên kết chặt chẽ này sẽ tiếp tục đóng góp tích cực thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT trong thời gian tới. Ông Phòng nhấn mạnh: Đoàn Giám sát và đại diện UBND, BHXH tỉnh sẽ trao đổi những việc “phải làm và nên làm” tại Hà Tĩnh để giải quyết những vấn đề mang tính tổng thể, những vướng mắc mà Hà Tĩnh đang gặp phải liên quan đến thực hiện chính sách BHXH, BHYT: phát triển người tham gia; chỉ đạo của chính quyền địa phương; phối hợp giữa các sở ban ngành hướng tới mục tiêu chung về ASXH; tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các đơn vị SDLĐ; tình hình KCB BHYT; cải cách TTHC... Đề nghị các đại biểu tham gia phân tích những thuận lợi, khó khăn, và đề xuất các giải pháp phù hợp để vận hành tốt hơn các chính sách này trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó nêu rõ vai trò của các cơ quan liên quan. Kết quả cuộc làm việc sẽ được báo cáo HĐQL để có các quyết nghị; đề xuất và kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền nhằm tổ chức, thực hiện tốt hơn công tác BHXH, BHYT trong thời gian tới...
Ông Hoàng Quang Phòng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy viên HĐQL BHXH
Chia sẻ kết quả thực hiện, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Đồng- Giám đốc BHXH tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: công tác đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời; và chính sách BHXH, BHYT đã khẳng định được vai trò trụ cột. Số người tham gia BHXH, BHTN trên địa bàn tỉnh thời gian qua có sự tăng trưởng năm sau cao hơn nă m trước và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được BHXH Việt Nam, HĐND, UBND tỉnh giao.
Báo cáo của BHXH tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tính đến hết Quý I/2023, số người tham gia BHXH trên địa bàn là 149.623 người; tỷ lệ bao phủ BHXH trên lực lượng lao động (LLLĐ) là 21,7%; Số người tham gia BH thất nghiệp là 81.465 người, tỷ lệ bao phủ BH thất nghiệp trên LLLĐ là 11,81%; Số người tham gia BHYT là 1.153.390, người dân tham gia BHYT nội tỉnh là 85.773 lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia BHYT ở nước sở tại- tương ứng trên 93% dân số tham gia BHYT; Số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là 70.846 người. Công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, KCB BHYT cho người dân được đảm bảo kịp thời. Việc triển khai, thực hiện các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương...
Thành tựu từ sự “vào cuộc” quyết liệt của hệ thống chính trị
Một trong những điểm thuận lợi mà BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã “sử dụng” hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ là đã thường xuyên chủ động phối hợp với các các sở, ban, ngành liên quan tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Từ tháng 01/2021 đến tháng 5/2023, BHXH tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành 48 văn bản thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn. Nghị quyết số 177/2019/NQ-HĐND ngày 15/12/2019 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2020-2025 (hiện nay được tích hợp vào Nghị quyết số 72/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định một số chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025). Theo đó, người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ 20% mức đóng theo thu nhập chuẩn nghèo khu vực nông thôn từ nguồn ngân sách tỉnh. Bên cạnh chính sách của tỉnh, có 5 địa bàn đã tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện từ nguồn ngân sách huyện (thị xã Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Đức Thọ, thị xã Kỳ Anh, Vũ Quang).
BHXH tỉnh cũng phối hợp Sở LĐ-TB&XH tham mưu ban hành Nghị quyết số 263/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho người cao tuổi, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh (hiện nay được tích hợp vào Nghị quyết số 72/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định một số chính sách giảm nghèo và đảm bảo ASXH trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025). Theo đó, người thuộc hộ cận nghèo được ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% mức đóng còn lại; người cao tuổi từ 70 đế dưới 80 tuổi được hỗ trợ 100% mức đóng; người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ 20% mức đóng từ nguồn ngân sách tỉnh. Bên cạnh chính sách của tỉnh, có 7 địa bàn đã tham mưu chính sách hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT từ ngân sách huyện
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh và Công an tỉnh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Quy chế phối giữa Tổng cục Cảnh sát và BHXH Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Vì vậy, trong thời gian vừa qua tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng được giảm thiểu. Nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân về các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được nâng lên, tác động tích cực đến thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Công tác cải cách hành chính và triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, BHXH Việt Nam và UBND tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT
Chia sẻ rõ hơn về nội dung này, đại diện sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tổng chi phí từ NS địa phương (cả cấp tỉnh và huyện) để hỗ trợ thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho nhiều nhóm đối tượng là gần 400 tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn tại địa phương khi Hà Tĩnh vẫn là đơn vị chưa cân đối được thu- chi.
Đại diện sở Y tế cũng khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa hai ngành Y tế và BHXH, thể hiện rõ nhất trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, sử dụng VssID-BHXH số, thẻ CCCD trong KCB BHYT... Mỗi năm hai cơ quan phối hợp thực hiện 1-2 cuộc thanh kiểm tra định kỳ và đột xuất, nhằm phát hiện sớm các sai phạm.
Khó khăn mở rộng bao phủ BHXH
Tuy nhiên, phản ánh của BHXH tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị liên quan cũng chia sẻ không ít khó khăn thực hiện chính sách trên địa bàn. Hiện Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có quy mô phát triển BHXH tự nguyện tốt nhất cả nước nhưng tỷ lệ bao phủ BHXH nói chung vẫn đang đạt tỷ lệ chưa cao, chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW và Chương trình hành động số 1282-CTr/TU của tỉnh về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW. Nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong việc phát triển lao động tham gia BHXH bắt buộc. Theo phải ánh, công tác khảo sát, đánh giá thực trạng và dự báo tình hình phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp (nhóm bắt buộc tham gia) để tham mưu đưa vào chỉ tiêu thực hiện trong Chương trình hành động số 1282-CTr/TU chưa sát đúng tình hình thực tế, nhất là dự báo tốc độ tăng trưởng quy mô lao động tham gia BHXH, BHTN hàng năm chỉ đạt 20% so với dự kiến ban đầu. Trong khi mục tiêu của Chương trình hành động số 1282-CTr/TU ngày 30/11/2018 đề ra năm 2021 tỷ lệ bao phủ BHXH đạt khoảng 35%; BHTN đạt khoảng 28% và đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ BHXH đạt khoảng 45%, BHTN đạt khoảng 35%.
Làm rõ nguyên nhân này, ông Đặng Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: theo dự kiến ban đầu, giai đoạn 2018-2025 có nhiều công trình, dự án đầu tư trên địa bàn đi vào hoạt động, các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động vào làm việc ổn định, theo đó số lao động tham BHXH, BHTN sẽ tăng nhanh (tăng trưởng trung bình từ 5-6%/năm). Tuy vậy, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, tác động của đại dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh, giá cả nguyên, nhiên vật liệu, vì vậy một số công trình, dự án dự kiến đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2020-2025 đã chậm tiến độ; một số doanh nghiệp dự kiến mở rộng dây chuyền sản xuất đã phải tạm dừng triển khai. Vì vậy, tăng trưởng đối tượng tham gia BHXH trung bình (2018-2022) chỉ đạt 1,58%/năm và tương ứng tăng trưởng BHTN trung (2018-2022) chỉ đạt 0,28%/năm.
Một vấn đề khó khăn của Hà Tĩnh là quy mô lao động được giải quyết việc làm hàng năm từ 22.000-22.500 người, trong đó xuất khẩu lao động đang chiếm 50% tổng số lao động được giải quyết việc làm mới. Theo quy định của Luật BHXH thì số lao động đi làm việc ở nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH, nhưng thực tế đến nay số lao động trên vẫn chưa có lao động nào tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh.
Thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh trên 85 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng chưa được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của pháp luật. Đây cũng là thông tin được đại diện đốc Công ty CP phát triển Công nghiệp tại Hà Tĩnh- một trong những đơn vị đang thực hiện dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng chia sẻ. Theo DN này, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện BHXH bắt buộc cho nhóm này, nên bản thân DN cũng lúng túng trong việc xác định rõ trách nhiệm, phương thức thực hiện quy định... Đồng thời đề nghị cơ quan BHXH và ngành LĐ-TB&XH có hướng dẫn về triển khai BHXH tự nguyện cho nhóm lao động này.
Ông Trần Quốc Túy- Phó Trưởng Ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam)
Đề cập đến nội dung này, ông Trần Quốc Túy- Phó Trưởng Ban quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) đề xuất cơ quan chức năng sớm có giải pháp hướng dẫn, để nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật. Đồng thời đề nghị sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính quyền địa phương, tiếp tục tham mưu chính sách, duy trì thường xuyên cá mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT trong giai đoạn 2025- 2030 tới đây...
Đề xuất thêm ý kiến về đảm bảo quyền lợi NLĐ đúng quy định của pháp luật, bà Bùi Thị Kim Loan- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cũng đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh có giải pháp để chia sẻ thông tin kịp thời về thời điểm NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm, tránh việc chi trả trợ cấp thất nghiệp không đúng đối tượng. Hiện cơ quan BHXH cũng đang tham gia góp ý xây dựng Luật BHXH sửa đổi, nhằm tăng sức thu hút của chính sách với người dân, NLĐ.
Bà Bùi Thị Kim Loan- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam)
Về lĩnh vực BHYT, theo BHXH tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù thường xuyên có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của ngành y tế và cơ quan BHXH, nhưng công tác chi KCB BHYT toàn tỉnh năm 2021, 2022 đang vượt dự toán Chính phủ giao với tỷ lệ vượt đứng trong tốp đầu cả nước. Tại hội nghị, đại diện một số cơ sở KCB cũng bày tỏ băn khoăn về chi phí vượt tổng mức thanh toán, vượt định mức kỹ thuật chưa được thanh toán... Giải đáp về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Quý- Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chỉ rõ: trong những năm gần đây, Hà Tĩnh là một trong những địa phương vượt tổng dự toán chi KCB BHYT và vượt tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT ngày càng tăng. Đồng thời, so sánh một số chi ở nhiều thành phần như chỉ định điều trị nội trú, xét nghiệm ngoại trú, chẩn đoán hình ảnh... Hà Tĩnh đều đứng ở mức cao về số lượng chỉ định so với bình quân chung toàn quốc. “Trong tình hình chung khi quỹ BHYT không tăng mức đóng, và nguồn tài chính chỉ có giới hạn, dự toán giao cho các địa phương được luôn cần được phân bổ và sử dụng phù hợp với thực tế...”, ông Quý nói.
Khai thác hiệu quả “dư địa” phát triển người tham gia BHXH, BHYT
Đại diện Lãnh đạo BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của tất cả các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. “Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận bức tranh tổng thể thấy rằng công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương và còn dư địa rất lớn”, Phó Tổng Giám đốc nhận xét.
Đánh giá công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ vượt dự toán KCB BHYT của Chính phủ giao đứng trong top đầu cả nước, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu Hà Tĩnh cần tiếp tục có giải pháp, biện pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT trong dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. “Với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, đề nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo cơ quan BHXH tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả, tích cực những giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các công tác này”, Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị. Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, BHXH Việt Nam sẽ ghi nhận, tổng hợp, báo cáo HĐQL trình các cấp có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Chỉ đạo các sở, ban, ngành trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với BHXH tỉnh triển khai các mặt công tác cụ thể, nhằm hoàn thành các mục tiêu BHXH, BHTN, BHYT. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, gắn với việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ để phục vụ quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT của các cá nhân, tổ chức ngày càng tốt hơn.... Đặc biệt, tiếp tục đề xuất ngân sách địa phương, các mạnh thường quân hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT (đối tượng cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn...) để nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT.
Thừa ủy quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Trí Lạc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm toàn diện của HĐQL BHXH, BHXH Việt Nam trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đại diện chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng chia sẻ một số khó khăn, kiến nghị như về mặt thể chế chính sách, hệ thống văn bản hướng dẫn, cần đánh giá thực tế giữa việc thu bảo hiểm y tế và quyền lợi được hưởng, chính sách thông tuyến; nghiên cứu việc giao Quỹ KCB BHYT đảo bảo quyền lợi cho người tham gia...
Đại diện đoàn Giám sát của HĐQL BHXH- ông Hoàng Quang Phòng chỉ rõ: Người tham gia BHXH trên toàn Hà Tĩnh hiện nay so với mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW đến năm 2025 tỷ lệ bao phủ đạt 45% như vậy so với tiềm năng thực tế còn khá khiêm tốn. Để đạt được mục tiêu trên, Đoàn Giám sát kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh Hà Tĩnh cần quyết liệt đưa ra các giải pháp trong công tác phát triển người tham gia BHXH; đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo hơn nữa trong điều kiện, đặc thù của địa phương quan tâm đến việc phát triển bền vững, nâng cao tỷ lệ phát triển người tham gia BHXH, BHYT và đưa ra các giải pháp phấn đấu hoàn thành tốt tỷ lệ bao phủ BHXH tiệm cận với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 -NQ/TW
Đoàn Giám sát kiến nghị cấp ủy đảng chính quyền của địa phương trong công tác chỉ đạo đối với các sở, ban ngành tích cực hơn trong vai trò, chức năng và quyền hạn của từng đơn vị phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.
Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí KCB phải thực sự hiệu quả, đảm bảo sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT trong phạm vi dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện cần có lộ trình để bệnh viện có đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, có đủ nguồn để bù đắp cho các khoản chi cho hoạt động của bệnh viện. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức đấu thầu thuốc, vật tư y tế đảm bảo đúng quy trình, quy định, theo thẩm quyền phân cấp và đảm bảo chất lượng, hiệu quả
Nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT; Nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH, ngành Y tế; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn, mở rộng hệ thống các điểm thu và nhân viên thu BHXH, BHYT; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng VssID-BHXH số tới người dân và đơn vị SDLĐ, công khai minh bạch thông tin và hạn chế tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của các đơn vị, DN. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành để bổ sung thêm các CSDL của ngành, CSDL quốc gia về bảo hiểm, phục vụ giải quyết quyền lợi của người dân, doanh nghiệp nhằm triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Tăng cường tổ chức, giám sát việc thực hiện nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT...
Thái An