Trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo ASXH quốc gia, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH, BHYT.
Tích cực kết nối, chia sẻ dữ liệu thực hiện chuyển đổi số quốc gia
Thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định CSDL quốc gia về bảo hiểm, đây là 1 trong 6 CSDL quốc gia quan trọng, được Chính phủ ưu tiên triển khai, BHXH Việt Nam được giao là đơn vị chủ quản của CSDL quốc gia về bảo hiểm. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Hiện, ngành BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho CSDL của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở KCB; có khoảng trên 620 nghìn tổ chức, DN sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc…
Đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên môi trường số. Đặc biệt, BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong việc tham gia, kết nối, chia sẻ CSDL giữa các Bộ, ngành. Ngay khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, khai thác, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân. Tính đến 17/10/2022, hệ thống đã xác thực 55.039.144 thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 61.408.276 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành để “làm giàu” thêm CSDL Quốc gia về bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, DN. Đơn cử như, kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp (thực hiện liên thông đăng ký khai sinh- đăng ký thường trú- cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố); chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở KCB để phục vụ KCB BHYT, bàn giao toàn bộ CSDL hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa dữ liệu trao đổi, chia sẻ với Tổng cục Thuế; duy trì việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kết nối, chia sẻ dữ liệu và xác thực thông tin để hoàn thiện dữ liệu về HSSV với Bộ GD-ĐT; chia sẻ, khai thác nhóm thông tin về BHXH, BH thất nghiệp với Bộ LĐ-TB&XH…
Đáng chú ý, liên quan đến kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ các thông tin từ CSDL hộ gia đình tham gia BHYT phục vụ đối chiếu, đồng bộ với dữ liệu tiêm chủng cho Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia (Bộ TT-TT). Đồng thời, phối hợp, cung cấp các thông tin từ CSDL quốc gia về bảo hiểm cho UBND các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
Với nguồn CSDL bảo hiểm dồi dào và nền tảng CNTT phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các bộ, ngành đã góp phần rất hiệu quả trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, vì quyền và lợi ích của người dân, đơn vị và DN.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH, BHYT
Hiện nay, toàn ngành BHXH Việt Nam đang có gần 30 hệ thống ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20 nghìn tài khoản CCVC và NLĐ trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành. Theo đó, gần như các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, người dân, đơn vị, DN với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí trong các giao dịch với cơ quan BHXH.
Nhằm triển khai hiệu quả Đề án số 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư mọi nguồn lực tối ưu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Đề án số 06. Theo đó, để triển khai thí điểm công tác KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp, BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ làm thủ tục KCB BHYT; đồng bộ số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu người tham gia BHYT do BHXH Việt Nam quản lý.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp nhằm xác thực chính xác danh tính người bệnh khi làm thủ tục KCB BHYT, hạn chế tối đa tình trạng trục lợi. Tính đến 17/10/2022, toàn quốc đã có 11.634 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 91% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc), với 3.832.242 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đến nay, BHXH Việt Nam đã triển khai nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Giám định BHYT để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; phối hợp với Cục C06 (Bộ Công an), các Nhà cung cấp phần mềm quản lý bệnh viện để chuẩn bị cho việc triển khai thí điểm tại một số cơ sở KCB.
Tại Hội nghị Chuyển đổi số ngành Công an Nhân dân lần thứ nhất vừa được tổ chức ngày 10/10/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao công tác phối hợp giữa Bộ Công an và BHXH Việt Nam trong triển khai đăng ký KCB BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp. Thủ tướng nhấn mạnh, việc liên thông dữ liệu giữa 2 Ngành tạo sự thuận tiện rất lớn cho người dân trong KCB BHYT. Bên cạnh đó, việc triển khai tính năng này trên môi trường số cũng góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tiêu cực, trục lợi trong lĩnh vực này.
Hiện nay, trong quá trình chờ Bộ Y tế ban hành quy định Nhóm thông tin cơ bản về y tế thuộc CSDL quốc gia về bảo hiểm và quy định Sổ Sức khỏe điện tử, BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng phương án kỹ thuật để có thể thực hiện việc chia sẻ dữ liệu thuộc phạm vi của Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định về CSDL Quốc gia về Bảo hiểm để xây dựng Sổ Sức khỏe điện tử theo hướng dẫn của Bộ Công an và Bộ Y tế; hoàn tất kết nối kỹ thuật để sẵn sàng cung cấp các thông tin lên ứng dụng VnEID của Bộ Công an… Sau khi các quy định được ban hành, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Y tế triển khai chính thức trên môi trường điện tử.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã cung cấp DVC “Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Tính đến hết ngày 17/10/2022, đã có 280 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng được hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết. Phối hợp cùng Bộ LĐ-TB&XH tích hợp thành công DVC “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng DVC quốc gia. Tính đến 17/10/2022, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 28.734 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các TTHC của Ngành; tích hợp, cung cấp 20 DVC thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC Quốc gia; cung cấp 7 DVC trên ứng dụng “VssID- Bảo hiểm xã hội số”. Theo thống kê, Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ (chưa tính số lượng hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên hệ thống thông tin giám định BHYT trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu hồ sơ). Tính từ 1/1/2022 đến 17/10/2022, toàn Ngành đã tiếp nhận và xử lý 74.764.901 hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm khoảng 85% tổng số hồ sơ).
Việc tất cả các TTHC của ngành BHXH Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số, giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, NLĐ thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH; giúp cho DN, NLĐ dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, dễ dàng kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin.
Hình thành ngành BHXH Việt Nam số
Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Quyết định số 942/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đánh giá mục tiêu đến năm 2025, BHXH Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Nhận thức rõ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay tác động rất lớn đến các mặt công tác của Ngành, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, thời gian tới, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm; hướng tới mục tiêu hoàn thiện ngành BHXH Việt Nam số, đem lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, trong thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về Chuyển đổi số của Ngành; Hình thành ngành BHXH Việt Nam số, với nguồn nhân lực số chất lượng cao.
Tiếp tục nâng cấp, hiệu chỉnh, hoàn thiện các phần mềm để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo 100% phần mềm được liên thông theo quy định; hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý, triển khai CSDL quốc gia về Bảo hiểm; kết nối, chia sẻ với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam; triển khai xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh để giám sát, điều hành hoạt động trong toàn Ngành.
Tiếp tục bổ sung năng lực, hoàn thiện các trung tâm dữ liệu của Ngành, ưu tiên ứng dụng các công nghệ (như: AI, BigData, Cloud Computing...) làm nền tảng cho phát triển ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý, xây dựng thành công ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của tổ chức và cá nhân, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Bích Thủy