Thực tế cho thấy, có một khoảng cách rất xa giữa thu nhập của người nổi tiếng và NLĐ ở Trung Quốc. Ngay cả nghệ sĩ được coi là kém sắc và vô danh xuất hiện trong một sự kiện biểu diễn hay quảng cáo cũng kiếm được hàng chục nghìn nhân dân tệ. Thế nhưng, nhân viên văn phòng ở các tỉnh, thành phố lớn chỉ có thể có mức thu nhập từ 7.000- 10.000 nhân dân tệ/tháng, tương đương 1.037- 1482 USD; còn ở vùng sâu, vùng xa, mức lương trung bình không quá 3.000 nhân dân tệ (44 USD)/tháng.
Hồi tháng 7/2022, Dịch Dương Thiên Tỉ (Jackson Yee), một diễn viên trẻ nổi tiếng và là thành viên của nhóm nhạc thần tượng TFBOYS, đã rơi vào vòng xoáy của dư luận vì bị coi là “lợi dụng đặc quyền để có chỗ trong biên chế của Nhà hát Kịch Quốc gia Trung Quốc”.
Dịch Dương Thiên Tỉ, 22 tuổi, diễn viên, ca sĩ thuộc nhóm nhạc TFBOYS
Nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi về kết quả nhập học, cũng như tư cách hợp lệ của Dịch Dương Thiên Tỉ và hai diễn viên khác (La Nhất Châu, Hồ Tiên Hú). Mặc dù lên tiếng thanh minh mình trong sạch nhưng Dịch Dương Thiên Tỉ vẫn quyết định rút khỏi biên chế Nhà hát. Vụ việc này, theo các nhà xã hội học, đã phản ánh sự bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc.
Từ vụ việc của Dịch Dương Thiên Tỉ…
Dịch Dương Thiên Tỉ, 22 tuổi, từ nhỏ đã nổi tiếng với tư cách là một ca sĩ thuộc nhóm nhạc TFBOYS; sau đó, tham gia diễn xuất trong một số bộ phim điện ảnh, một trong số đó là Em của thời niên thiếu (Better Days), được đề cử giải Oscar hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất vào năm 2019; hiện có hơn 90 triệu người theo dõi trên Sina Weibo, nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu Trung Quốc. Từ trước đến nay, việc người nổi tiếng ở Trung Quốc thi vào biên chế không phải hiếm; tuy nhiên, Dịch Dương Thiên Tỉ vướng nghi vấn sử dụng đặc quyền trong thi tuyển. Cư dân mạng nghi ngờ Dịch Dương Thiên Tỉ không cần trải qua phần thi viết, có thể còn không tham dự vòng phỏng vấn trực tiếp mà được dự thi qua hình thức trực tuyến. Thêm vào đó, khi dư luận nảy sinh nghi ngờ, Nhà hát Quốc gia Trung Quốc từ chối công bố video phỏng vấn và chi tiết hồ sơ mà Chính phủ yêu cầu. Vụ việc làm cư dân mạng Trung Quốc tức giận, không chỉ vì đặc quyền của người nổi tiếng trên thị trường việc làm, mà còn vì vấn đề bất bình đẳng thu nhập giữa thu nhập của người nổi tiếng và NLĐ.
… đến bất bình đẳng thu nhập giữa người nổi tiếng và NLĐ
Từ lâu, bất bình đẳng thu nhập của người nổi tiếng và NLĐ ở Trung Quốc là một vấn đề xã hội được nhiều người quan tâm. Ví dụ, Trương Nghệ Hưng (hay Lay, thành viên Trung Quốc thuộc nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc EXO) nộp 2,8 triệu USD tiền thuế TNCN vào năm 2018- số tiền này một bộ phận NLĐ bình thường cả đời chưa chắc đã tích lũy nổi. Ngay cả nghệ sĩ được coi là kém sắc và vô danh xuất hiện trong một sự kiện biểu diễn hay quảng cáo cũng kiếm được hàng chục nghìn nhân dân tệ. Thế nhưng, nhân viên văn phòng ở các tỉnh, thành phố lớn chỉ có thể có mức thu nhập từ 7.000- 10.000 nhân dân tệ/tháng, tương đương 1.037- 1482 USD; còn ở vùng sâu, vùng xa, mức lương trung bình không quá 3.000 nhân dân tệ (44 USD)/tháng.
Trước sự phẫn nộ của cư dân mạng, những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã có một loạt các biện pháp để điều chỉnh sự chênh lệch thu nhập xã hội. Năm 2018, Trung Quốc đưa ra chính sách mới trong sản xuất phim truyền hình, quy định lương của các diễn viên chính không được vượt quá 70% tổng lương của tất cả các nghệ sĩ tham gia trong phim và 40% tổng chi phí sản xuất phim. Điều này có nghĩa là mức lương cực cao cho các ngôi sao từ giờ sẽ chỉ còn là dĩ vãng.
Đến nay, quy tắc này vẫn được áp dụng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Ví dụ, Trịnh Sảng, một nữ diễn viên trẻ nổi tiếng, kiếm được 25 triệu USD chỉ trong 77 ngày quay phim. Sau sự phản đối kịch liệt của dư luận, một cuộc điều tra đã được tiến hành, kết quả cho thấy công ty sản xuất đã không tuân thủ quy định và Trịnh Sảng đã trốn thuế từ năm 2019 đến năm 2020. Trịnh Sảng đã bị áp lệnh “phong sát”, không được xuất hiện trên bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và truy nộp 45 triệu USD tiền thuế.
Nỗ lực nâng cao thu nhập của người dân khu vực nông thôn
Ngoài việc điều chỉnh quy định để thu nhập của người nổi tiếng trở nên hợp lý hơn, Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết cải thiện thu nhập cho người dân, coi đây là “chìa khóa” để giảm bất bình đẳng về thu nhập. Dự kiến đến năm 2035, người dân khu vực nông thôn có thu nhập thấp sẽ có mức thu nhập tăng 157%. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở nông thôn, giúp cho hoạt động sản xuất và đời sống của người dân nông thôn cải thiện hơn, từ đó tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn. Nếu kế hoạch này có thể được thực hiện suôn sẻ, dự kiến đến năm 2035, sự bất bình đẳng về thu nhập ở Trung Quốc sẽ giảm đáng kể.
Tùng Anh (Theo Sina)