Do lạm phát tăng cao, các hộ gia đình ở Mỹ đang phải chi trả nhiều tiền hơn cho các hóa đơn tiền thuê nhà, tạp hóa và tiện ích mỗi tháng.
Theo Cơ quan nghiên cứu kinh tế Moody's Analytics, dù lạm phát đã giảm bớt trong thời gian gần đây, các số liệu cho thấy, một hộ gia đình điển hình của Mỹ phải chi thêm 371 USD cho hàng hóa và dịch vụ trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, tin tốt là cú sốc về chi phí sinh hoạt dường như đang hạ nhiệt và tiền lương đang bắt đầu bắt kịp.
Cũng theo Moody's Analytics, vào thời điểm lạm phát đạt đỉnh vào tháng 6 năm ngoái, một gia đình Mỹ điển hình phải chi thêm 502 USD/tháng so với cùng kỳ năm 2021.
Moody's Analytics chỉ ra thêm, trong tháng 12/2022, các hộ gia đình ở Mỹ phải chi tiêu thêm 82,60 USD/tháng cho chỗ ở và thêm 72,01 USD/tháng cho thực phẩm.
Cục Thống kê (Bộ Lao động Mỹ) hôm 12/1 vừa qua cho biết, người dân nước này đã chi nhiều hơn đến 11,8% tại các cửa hàng tạp hóa so với một năm trước đó. Giá trứng tăng gần 60% trong năm qua, ghi nhận mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1973, một phần do khủng hoảng nguồn cung vì dịch cúm gia cầm.
Theo Moody’s Analytics, những mặt hàng tăng giá theo từng tháng khác bao gồm các tiện ích (tăng 47,33 USD), chăm sóc sức khỏe (tăng 17,97 USD), giải trí (tăng 15,27 USD) và đồ uống có cồn (tăng 2,67 USD).
Một điểm sáng nhỏ là xăng. Một hộ gia đình điển hình đã tiết kiệm được 1,55 USD/tháng so với một năm trước.
Trong những tháng gần đây, những tác động tiêu cực từ lạm phát đang được “xoa dịu” nhờ những thay đổi đáng kể về tiền lương. Thực tế cho thấy, tiền lương đã tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ tăng của lạm phát.
Lạm phát rõ ràng đã tăng chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 12/2022 đã tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021, là tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng 10/2021.
“Những tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ đã được ghi nhận vào những tháng cuối năm”- Matt Colyar, một chuyên gia kinh tế khác tại Moody's Analytics đã bình luận.
Mark Zandi- nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics cho rằng, lạm phát đang nhanh chóng được điều chỉnh. Nó đang đi đúng hướng.
Tuy vậy, một số nhà kinh tế lại bày tỏ lo ngại rằng, lương tăng ở mức cao có thể khiến cho người tiêu dùng vung tiền chi tiêu và các DN háo hức tăng giá để bù đắp, khiến lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Theo Andrew Patterson- nhà kinh tế cấp cao của Vanguard, có thể còn quá sớm để vui mừng về những dấu hiệu hạ nhiệt ban đầu của lạm phát, vì lạm phát dịch vụ có thể khiến áp lực giá tăng cao.
“Tăng trưởng tiền lương liên tục có thể khiến lạm phát dịch vụ tiếp tục tăng cao vào năm 2023. Tiền lương chậm lại gần đây được hoan nghênh, nhưng chưa cho thấy thị trường lao động đang chậm lại trên diện rộng”- ông Patterson đánh giá.
Hiện giới phân tích vẫn đang theo dõi chặt chẽ các động thái của FED trong cuộc chiến chống lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang cân nhắc xem họ cần phải tăng lãi suất bao nhiêu nữa để làm chậm nền kinh tế và chế ngự lạm phát.
Huw Roberts- Trưởng bộ phận phân tích tại Quant Insight cho biết thêm, các nhà đầu tư sẽ theo dõi bình luận của các lãnh đạo FED trong cuối tuần này. Đồng thời, họ cần thêm các dữ liệu kinh tế khác trong những tuần tới, chẳng hạn như chỉ số chi phí việc làm, để hiểu rõ hơn về sức khỏe của nền kinh tế.
Hoàng Dương