Bên cạnh tăng nhu cầu nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất, chăm sóc sức khỏe, chuỗi cung ứng, giao thông vận tải, kinh doanh..., nhiều DN cũng ưu tiên tuyển dụng những nhân sự chất lượng, đa năng, có thể kiêm nhiệm nhiều công việc.
Khảo sát “Bối cảnh thị trường lao động và lao động năm 2023” của Adecco Việt Nam cho thấy, ngành sản xuất có thể tiếp tục gặp khó khăn đến cuối quý I, thậm chí là quý II/2023 do thiếu đơn hàng, khiến nhiều người mất việc làm. Tuy nhiên, thị trường lao động được dự đoán sẽ sớm phục hồi và có thể bứt phá mạnh mẽ vào cuối năm. Đáng chú ý, trong năm 2023, nhu cầu nhân lực vẫn tăng, khi có tới 43% nhà tuyển dụng cho biết có kế hoạch tuyển thêm lao động.
Bên cạnh đó, duy trì lực lượng lao động ổn định cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều DN hiện nay. Có 47% DN cho biết tiếp tục giữ nguyên số lượng nhân sự như năm trước; chỉ chưa tới 10% DN tham gia khảo sát cân nhắc việc cắt giảm dưới 25% nhân viên. Nhóm ngành nổi bật có nhu cầu tuyển dụng tăng gồm: Sản xuất, chuỗi cung ứng và giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe, y tế và khoa học.
Khảo sát cũng cho thấy, ngành chăm sóc sức khỏe đang phát triển nhanh chóng, dẫn đến nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực này ngày càng cao. Mặt khác, trước sự phổ biến của xu hướng số hóa, cơ hội cho các ứng viên có chuyên môn, trình độ kỹ thuật số và khả năng thích ứng cao sẽ thêm rộng mở. Cùng với kinh nghiệm làm việc, kỹ năng đa nhiệm để đảm nhận nhiều vị trí khác nhau cũng được các nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm- khi có 44% DN cho rằng đây là tiêu chí quan trọng khi tìm kiếm ứng viên.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang- Giám đốc quốc gia của One Arrow Consulting (đơn vị tuyển dụng đa quốc gia) cho rằng, xu hướng thắt chặt chi tiêu tuyển dụng đã bắt đầu xuất hiện từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Vì vậy, các DN ưu tiên tuyển dụng những nhân sự chất lượng, đa năng, có thể kiêm nhiệm nhiều công việc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, ứng viên dạng này không có nhiều. Do đó, nhân sự chất lượng cao đang được săn đón và cạnh tranh gay gắt.
“Đó là thực tế khi thị trường lao động biến động không ngừng, có sự can thiệp ngày càng lớn từ trí tuệ nhân tạo, công nghệ số vào đời sống, công việc. Đòi hỏi cao từ các nhà tuyển dụng cũng là cơ hội để NLĐ nắm bắt vị trí của mình nếu đủ năng lực. Nếu chưa đủ năng lực thì chẳng còn cách nào khác là họ phải nâng cao trình độ để có việc làm tốt”- bà Trang nhấn mạnh.
Trong bối cảnh sa thải hàng loạt lao động, cắt giảm chi phí để vượt qua khó khăn, nhưng nhiều DN vẫn tăng cường tuyển dụng những vị trí “không có không được”. Ông Đồng Quin- Giám đốc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (BIN Corporation Group- TP.HCM) nhận định, lao động nhóm ngành kinh tế- nhất là quản trị kinh doanh, marketing (tiếp thị), quản trị nguồn nhân lực, ngôn ngữ Anh- lúc nào cũng rất cần trong hoạt động của DN. Điều thú vị là sinh viên tốt nghiệp những ngành này có thể làm được rất nhiều công việc liên quan lĩnh vực đào tạo chuyên môn. Chẳng hạn, sinh viên học quản trị kinh doanh thì có thể làm sales, marketing, tài chính, nhân sự.
Còn theo bà Đặng Trịnh Nhã Hương- Giám đốc Navigos Search miền Nam, nhiều DN thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng nhân sự liên quan các ngành quản trị kinh doanh, marketing, bất động sản. Các vị trí như: Chuyên viên quan hệ khách hàng, quản lý kinh doanh- phát triển sản phẩm, chuyên viên chiến lược DN, trưởng bộ phận tiếp thị thương mại, chuyên viên phân tích nghiệp vụ, nhân viên kinh doanh, hành chính nhân sự, hỗ trợ kinh doanh dự án, quản lý dự án, bán hàng… gần như có nhu cầu tuyển quanh năm. Đáng chú ý, ngành nông nghiệp cũng có nhu cầu nhân lực khá cao nhưng gặp khó khăn khi tuyển dụng.
Nguyệt Hà