Các quốc gia đã và đang chú trọng nhiều hơn vào đầu tư phát triển ASXH, trong đó tập trung vào việc chuyển đổi số, tối ưu hóa việc thực hiện thủ tục hành chính, chi trả chế độ cho người dân bằng phương thức trực tuyến.
Chiến lược chuyển đổi số được sớm được ưu tiên ở nhiều lĩnh vực tại nhiều quốc gia, tuy nhiên, sau Covid-19, các mục tiêu đang được thúc đẩy một cách tích cực hơn. Thực tế này được thấy rõ nhất ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương khi nhiều tổ chức ASXH trong khu vực đã có nhiều chuyển biến rất mạnh mẽ.
Đơn cử như với Tổ chức ASXH của Jordan (SSC) phát triển nhằm mục đích cung cấp các dịch vụ tốt hơn. Kế hoạch của tổ chức này bao gồm 26 sáng kiến, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư vào nguồn nhân lực, phát triển quan hệ đối tác với các bên liên quan để cung cấp dịch vụ đầu - cuối, theo hướng sử dụng phương tiện điện tử nhiều hơn.
Kế hoạch chiến lược 2021–2025 của Tổ chức ASXH Iran (ISSO) cũng nhằm mục đích thúc đẩy quản lý bằng kỹ thuật số chủ động hơn.
Các tổ chức khác, chẳng hạn như Cơ quan hưu trí công (PPA) của Ả Rập Xê Út, đang thành lập Văn phòng chuyển đổi kỹ thuật số để quản lý hành trình chuyển đổi kỹ thuật số theo hướng toàn diện, hiện đại, cập nhật xu hướng quốc tế.
Bên cạnh việc chú trọng chuyển đổi số trong chiến lược phát triển, các tổ chức ASXH cũng ngày càng xây dựng và triển khai các tính năng hiện đại hóa tới người thụ hưởng chính sách một cách tích cực hơn.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan BHYT Quốc gia nước này (NHIS) đã giới thiệu một hệ thống điện tử, qua đó các cơ sở y tế có thể nộp thủ tục đăng ký trực tuyến cho dịch vụ lắp răng giả và cấy ghép. Điều này tạo sự thuận tiện hơn cho bệnh nhân, đặc biệt là người cao tuổi, không còn phải đến các chi nhánh hay phải gửi hồ sơ giấy. Cơ quan Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc (NPS) cũng thiết lập một kênh tư vấn được xây dựng theo hướng kỹ thuật số. Theo đó, các báo cáo và biểu mẫu khác nhau mà người dân yêu cầu trước đây đều đã được số hóa. Đây là 2 sáng kiến minh chứng rõ nét cho xu hướng xây dựng dịch vụ theo hướng “Untact” - nghĩa là “không tiếp xúc”. Xu hướng này cũng ngày càng phổ biến nhiều hơn tại Hàn Quốc, phản ánh tiêu chuẩn mới về cung cấp dịch vụ trong trạng thái giai đoạn “bình thường mới”- hậu Covid-19.
Tại Singapore, Quỹ Phòng xa (Central Provident Fund- CPF) cho ra mắt Cổng Dịch vụ công trực tuyến toàn diện đầu tiên tại quốc gia này; theo đó, 100% quy trình được thực hiện theo hình thức trực tuyến (ONS) thay thế thay hoàn toàn cho quy trình sử dụng hồ sơ giấy, khai báo bằng việc viết tay như trước kia. Năm 2020, có tới 50% hồ sơ thủ tục được gửi đến cơ quan CPF được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, qua đó giúp tiết kiệm cho người dân khoảng 130.000 giờ, theo tính toán của CPF. Quy trình được thực hiện theo hình thức trực tuyến cho phép người dân thực hiện 100% thủ tục của họ mặc dù có những giai đoạn Trung tâm dịch vụ của CPF đã phải đóng cửa do ảnh hưởng của Covid‑19.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Hiệp hội ASXH quốc tế-ISSA, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đang cải thiện việc cung cấp dịch vụ của các tổ chức ASXH trên toàn thế giới. Tại Malaysia, Quỹ Hưu trí dành cho NLĐ (EPF) cho ra mắt ứng dụng ELYA, cung cấp tính năng chatbot song ngữ đầu tiên, được hỗ trợ bởi AI, cho phép trao đổi theo hình thức hỏi - đáp bằng ngôn ngữ văn bản và hỗ trợ bằng cả hình thức trò chuyện trực tiếp. EPF cũng cho ra mắt i-Invest, một ứng dụng cho phép người tham gia theo dõi các khoản đóng góp tích lũy của họ mà không cần qua các cơ quan của EPF. Những sáng kiến này là một phần trong nỗ lực số hóa liên tục của EPF.
Còn tại Kuwait, Tổ chức ASXH Công cộng (PIFSS) cho phép việc xác thực văn bản chứng nhận (đóng dấu) của cơ quan này bằng xác minh mã phản hồi nhanh (QR) cho phép người dùng truy xuất các văn bản, tài liệu cần xác thực bằng điện thoại thông minh hay máy tính.
Để tăng sự hài lòng của những người về nhận chế độ hưu trí, Quỹ Hưu trí công chức (CSPF) của Iran đã thành lập một trung tâm chăm sóc khách hàng, tiếp nhận các yêu cầu, phản hồi của người thụ hưởng chế độ. Cơ quan ASXH của UAE cũng có cách làm tương tự trong bối cảnh bị tác động bởi COVID-19.
Còn tại Việt Nam, từ cuối năm 2020, BHXH Việt Nam đã cho ra mắt ứng dụng VssID-BHXH số như một phần của hệ sinh thái số được cung cấp đến người tham gia BHXH. Các tính năng của VssID ngày càng được hoàn thiện và mở rộng hơn. Từ VssID, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thực hiện các dịch vụ về BHXH, BHYT một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Từ tháng 6/2021, BHXH Việt Nam cũng đã cho phép triển khai, sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2021, đã có trên 25 triệu người cài đặt, sử dụng ứng dụng, hơn 570 nghìn lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT.
Có thể thấy, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu với hầu hết các quốc gia và với mọi lĩnh vực khác nhau. Trong lĩnh vực ASXH, xu hướng chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ hơn ở giai đoạn hậu Covid-19. Hình thức triển khai của các tổ chức ASXH tại các quốc gia có thể khác nhau, song tựu chung lại đều hướng đến cải thiện chất lượng dịch vụ, phục vụ người dân, NLĐ một cách hiệu quả hơn, trong đó xu hướng chủ đạo là tăng cường các hình thức giao dịch trực tuyến nhiều hơn.
Minh Đức