Lào là một quốc gia không giáp biển ở Đông Nam Á và là một trong những quốc gia nghèo nhất trong khu vực với GDP khoảng 18,8 tỷ USD (số liệu năm 2021); trong khi đó, GDP của Việt Nam khoảng 366 tỷ USD và của Thái Lan khoảng 506 tỷ USD.
Kinh tế chưa phát triển ảnh hướng lớn đến hệ thống giáo dục của Lào trong tất cả các yếu tố, nhất là chi phí và khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em. Một số năm gần đây, giáo dục ở Lào đã được cải thiện do nỗ lực trong nước và sự giúp đỡ của quốc tế, tạo tiền đề cho việc củng cố hệ thống giáo dục, thu hút thêm nhiều trẻ em đến trường. Tuy nhiên, “bức tranh” về giáo dục của Lào vẫn chưa thực sự tươi sáng do còn quá nhiều lực cản.
Tỷ lệ bỏ học cao: Hệ thống giáo dục Lào có tỷ lệ học sinh bỏ học cao, đặc biệt là ở các cấp học thấp. Điều này có nghĩa là không phổ biến người đạt được trình độ học vấn THPT. Chỉ có 81,9% trẻ em hoàn thành chương trình giáo dục Tiểu học, 15% học lên THCS và chỉ 3% học lên PTTH.
Tỷ lệ nhập học thấp ở khu vực nông thôn: Chỉ 70% trẻ em đi học ở khu vực nông thôn, con số này ở khu vực thành thị là 84%. Tỷ lệ nhập học thấp ở khu vực nông thôn phần lớn là do giao thông, đường sá đi lại khó khăn. Trong khi nhiều trẻ em sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, phụ huynh khu vực nông thôn thường là những người có thu nhập thấp, khó có thể trang trải chi phí giáo dục. Họ có xu hướng muốn con cái đi làm sớm và tiền phụ giúp gia đình. Một vấn đề khác là tình trạng giáo viên tập trung ở khu vực thành thị, còn khu vực nông thôn lại thiếu giáo viên.
Chênh lệch tuyển sinh dựa trên giới tính: Hệ thống giáo dục Lào có vấn đề nổi cộm liên quan đến giới tính. Số lượng trẻ em trai nhập học cao hơn so với trẻ em gái. Chẳng hạn, tỷ lệ nhập học cấp tiểu học của nam và nữ lần lượt là 75% và 71%. Ở cấp THCS, khoảng cách này rộng hơn một chút, với tỷ lệ 36% ở nam và 31% ở nữ. Sự bất bình đẳng giới này chủ yếu là do các giá trị lỗi thời, lạc hậu mà nhiều hộ gia đình Lào vẫn lưu giữ, một bộ phận không ưu tiên cho con gái đi học vì định kiến rằng việc của con gái là gả đi và thực hiện thiên chức chăm sóc gia đình.
Cấu trúc giáo dục 4 phần: Hệ thống giáo dục của Lào bao gồm 4 giai đoạn: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề; Giáo dục Đại học. Tỷ lệ nhập học của học sinh giảm đáng kể khi lên các cấp học cao hơn. Tỷ lệ nhập học Tiểu học, thuộc Giáo dục phổ thông, là 97%. Song, tỷ lệ nhập học ở cấp THPT chỉ là 3%. Hệ lụy là hầu hết trẻ em Lào không được học hành đến nơi đến chốn.
Ngân sách giáo dục không phù hợp: Chính phủ Lào chưa thực sự ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục. Ước tính chỉ có 3,3% tổng GDP của Lào dành cho giáo dục- đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất trên toàn cầu. Phần lớn kinh phí, cả trong nước và từ viện trợ quốc tế, tập trung để xóa đói giảm nghèo bằng cách cung cấp các nhu cầu cơ bản của người dân như thực phẩm, nước sạch và chỗ ở.
Cải thiện hệ thống giáo dục: Các cuộc cải cách giáo dục của Chính phủ Lào giai đoạn từ năm 2006- 2015 đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và điều chỉnh hệ thống giáo dục theo các tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, xây dựng thêm trường học ở khu vực nông thôn, để tạo điều kiện tiếp cận giáo dục cho trẻ em ở khu vực này. Bên cạnh đó, cải cách đã tăng đáng kể tuyển sinh, từ 146 học sinh THPT (năm học 1975- 1976), đã lên tới 45.198 học sinh THPT (năm học 2005- 2006).
Tác động viện trợ quốc tế: Viện trợ quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở Lào. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) đã rót 8 triệu USD cho Chương trình Nâng cao chất lượng học tập cho trẻ em ở Lào; kết quả, giúp 3.000 trẻ em được đi học Tiểu học vào năm 2012. Năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB)- với sự hỗ trợ của các quốc gia khác, công bố khoản tài trợ 47 triệu USD nhằm “cải thiện hiệu suất giáo dục mầm non và Tiểu học, cũng như tăng cường hệ thống giáo dục trên toàn quốc”.
Tùng Anh (Theo LHQ)