Thượng tướng, PGS. TS. Nguyễn Văn Thành- Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên HĐQL BHXH Việt Nam
Chính sách BHXH trong Công an nhân dân (CAND) là một bộ phận trong chính sách BHXH của Nhà nước, do đó Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên quan tâm chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đưa công tác BHXH trong CAND 25 năm qua từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm quyền lợi và động viên cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao...
BHXH là một trong những chính sách xã hội quan trọng không thể thiếu của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, ngay từ năm 1929, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương (một trong các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã nêu: “Tổ chức tất cả vô sản giai cấp và công hội, thực hành BH cho thợ thuyền, giúp đỡ thợ thuyền thất nghiệp...”.
Ngày 3/11/1945, ngay sau khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 54/SL về ấn định các điều kiện cho công chức về hưu; ngày 14/6/1946 ban hành Sắc lệnh số 105/SL quy định việc cấp hưu bổng và đóng BHXH đối với công chức. Đây là 2 văn bản pháp luật đầu tiên quy định về quyền lợi, mức hưởng hưu trí của công chức, khẳng định nguyên tắc đóng-hưởng của BHXH, quy định trách nhiệm bảo hộ của Nhà nước đối với quỹ BHXH. Ngày 27/12/1961, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 218/CP ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với CNVC nhà nước, trong đó quy định việc thành lập quỹ BHXH. Tuy nhiên, thời điểm đó, nguồn thu quỹ chỉ bảo đảm được trong một số năm đầu khi ban hành chính sách; các năm từ 1986-1993 thu không đủ chi, nguồn chi trả các chế độ BHXH vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào NSNN.
Để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý quỹ BHXH trong thời kỳ đổi mới, ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/CP về thành lập BHXH Việt Nam, trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH hiện nay ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ Việt Nam, để giúp Thủ tướng chỉ đạo công tác quản lý quỹ BHXH, thực hiện các chế độ chính sách BHXH theo pháp luật của Nhà nước. Việc ban hành Nghị định số 19/CP đã tạo bước phát triển mới, từ đây BHXH trở thành một trong những chính sách trụ cột cơ bản trong hệ thống ASXH, thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước vì mục tiêu con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Xuất phát từ mục tiêu xây dựng, chăm lo và phát triển các lực lượng vũ trang, sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đặc biệt đến chế độ, chính sách BHXH đối với lực lượng vũ trang là QĐND và CAND. Qua từng thời kỳ, Chính phủ đều ban hành các văn bản riêng về chế độ BHXH đối với lực lượng vũ trang cho phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng, nên chính sách BHXH đối với CAND cũng có những quy định khác so với CBCNVC nhà nước và NLĐ thuộc các thành phần kinh tế.
Chính sách BHXH trong CAND được chia làm 2 giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn trước tháng 1/1995: Chính sách BHXH trong CAND cơ bản được thực hiện tương tự như các đối tượng là CNVC nhà nước. Theo đó, ngành LĐ-TB&XH thực hiện giải quyết các chế độ MSLĐ, hưu trí, tử tuất đối với cán bộ, chiến sĩ CAND; ngành Tài chính thực hiện quản lý chi tiêu quỹ BHXH; chưa hình thành quỹ BHXH trên cơ sở đóng góp của NLĐ và người SDLĐ (chủ yếu từ nguồn NSNN và một phần nhỏ từ đóng góp của DNNN); công tác quản lý quỹ BHXH bị phân tán; không tách quản lý nhà nước về BHXH với thực hiện chính sách BHXH.
Hoạt động nghiệp vụ tại BHXH CAND
Giai đoạn từ tháng 1/1995 đến nay: Trong các Văn kiện Đại hội Đảng, quy định của Hiến pháp năm 1992 và Bộ luật Lao động năm 1994, quan điểm về BHXH của Đảng và Nhà nước thể hiện theo hướng: Mọi NLĐ và các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế đều có quyền và nghĩa vụ tham gia BHXH; thực hiện từng bước tách quỹ BHXH ra khỏi NSNN; thành lập tổ chức BHXH độc lập và hoàn thiện chính sách BHXH. Thể chế hoá các quan điểm nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 về ban hành Điều lệ BHXH và Nghị định số 19/CP ngày 16/2/1995 thành lập BHXH Việt Nam. Đây là bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển chính sách BHXH ở nước ta, với việc thống nhất BHXH bắt buộc cho NLĐ trong mọi thành phần kinh tế và sự ra đời của tổ chức BHXH Việt Nam. Đồng thời, ngày 15/7/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/CP về việc ban hành Điều lệ BHXH đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ QĐND và CAND.
Căn cứ Nghị định số 45/CP và Thông tư số 29/TT-LB ngày 2/11/1995 của Liên Bộ LĐ-TB&XH-Quốc phòng-Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành Quyết định số 736/QĐ-BNV về việc thành lập Phòng BHXH CAND thuộc Vụ TCCB, có nhiệm vụ giúp Vụ trưởng Vụ TCCB tham gia chỉ đạo công tác quản lý quỹ BHXH, hướng dẫn quản lý và tổ chức thực hiện các chế độ BHXH trong CAND. Đồng thời, Bộ Công an đã nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về BHXH; thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH. Cấp và ghi sổ BHXH để làm cơ sở, căn cứ giải quyết các chế độ BHXH đối với cán bộ, chiến sĩ.
Do vậy, từ cuối năm 1996, sau khi BHXH Việt Nam ban hành các văn bản quy định về sổ BHXH, hướng dẫn cách ghi sổ BHXH, Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tổ chức cấp sổ BHXH cho đối tượng tham gia BHXH trong CAND. Tính đến hết năm 1999, công tác cấp sổ BHXH trong CAND cơ bản được hình thành, từ năm 2000 trở đi chỉ tiến hành cấp sổ BHXH đối với số cán bộ, chiến sĩ bắt đầu tham gia BHXH. Từ cuối năm 2008 đến nay, Bộ Công an đã triển khai cấp sổ BHXH cho cán bộ, chiến sĩ theo mẫu sổ BHXH mới theo quy định của BHXH Việt Nam. Từ năm 1996 đến hết tháng 11/2919, BHXH CAND đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tiến hành cấp 389.448 sổ BHXH cho cán bộ, chiến sĩ.
Bộ Công an cũng luôn là một trong những đơn vị có số thu BHXH cao trong toàn quốc, số thu hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu giao thu của BHXH Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Bộ Công an luôn là một trong 10 đơn vị có số thu BHXH lớn nhất toàn ngành BHXH, không có tình trạng nợ, trốn đóng hoặc chậm đóng BHXH. Công tác giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp đối với đối tượng là lao động hợp đồng có HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng và HĐLĐ không xác định thời hạn... đều được thực hiện đúng quy định, có hiệu quả tích cực. Tính đến tháng 11/2019, trong CAND có 21.589 lao động hợp đồng tham gia BH thất nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BHXH trong CAND thời gian qua còn một số tồn tại như: Tổ chức, bộ máy, cán bộ trực tiếp và chuyên môn chuyên sâu làm công tác BHXH trong CAND còn mỏng; công tác quản lý chưa tập trung, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng tăng; việc ứng dụng CNTT vào công tác BHXH còn chậm, chưa đồng bộ... Nguyên nhân là do chính sách BHXH của Nhà nước nói chung cũng như đối với lực lượng vũ trang nói riêng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nên thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; đối tượng tham gia BHXH trong CAND có số lượng lớn, địa bàn rộng khắp toàn quốc, thường xuyên có biến động; Bộ Công an chưa thành lập tổ chức BHXH độc lập; đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH ở Công an các đơn vị, địa phương chủ yếu là kiêm nhiệm, ít được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành và thường có sự thay đổi; trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác quản lý, thực hiện BHXH trong CAND còn nhiều khó khăn. Thủ trưởng Công an một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát, quyết liệt trong lĩnh vực này; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH và việc ứng dụng CNTT còn hạn chế.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 25 năm qua, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tiếp tục đưa công tác BHXH trong CAND ngày càng ổn định, phát triển bền vững, BHXH trong CAND cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hiện chính sách BHXH. Cấp ủy, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương cần đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hiện chính sách BHXH, nhất là Thủ trưởng trực tiếp phụ trách công tác BHXH phải tập trung, quyết liệt chỉ đạo các nội dung: Thực hiện nghiêm túc các quy định về thu, nộp BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, không để xảy ra tình trạng không đóng, chậm đóng hoặc nợ BHXH, BH thất nghiệp; thường xuyên làm tốt công tác cấp sổ; giải quyết, chi trả kịp thời các chế độ BHXH cho cán bộ, chiến sĩ và NLĐ theo đúng quy định; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; nghiêm cấm mọi hành vi trục lợi trong thực hiện các chế độ BHXH. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị được Bộ giao quản lý và tổ chức thực hiện chính sách BHXH để bảo đảm quản lý toàn diện, chặt chẽ và thống nhất trong toàn lực lượng; tạo cơ chế phối hợp giữa BHXH CAND với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH trong CAND gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và thực hiện BHXH. Tập trung sắp xếp, bố trí cán bộ trực tiếp thực hiện chính sách BHXH tại Công an các đơn vị, địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; làm tốt công tác hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác BHXH có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, có kiến thức chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ, phong cách làm việc khoa học, tận tuỵ. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác BHXH. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị kỹ thuật CNTT, nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý đối tượng, thu-chi và giải quyết các chế độ BHXH… theo nguyên tắc đơn giản hoá TTHC, bảo đảm thống nhất với quy định của cơ quan chuyên môn, phù hợp với đặc thù của lực lượng CAND. Đồng thời, chủ động đầu tư xây dựng, hoàn thiện phần mềm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tổ chức triển khai cấp thẻ BHXH điện tử theo lộ trình CCHC của Chính phủ.
Ba là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ BHXH. Công tác tuyên truyền cần tập trung vào nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ vị trí, vai trò của BHXH trong hệ thống ASXH. BHXH là một chính sách mang tính toàn dân, công tác BHXH được hình thành từ sự đóng góp của người SDLĐ, NLĐ và các nguồn tài trợ khác như: Từ NSNN, các hội từ thiện, các cá nhân ủng hộ... nhằm bảo đảm quyền lợi vật chất cho NLĐ và gia đình họ khi gặp phải những biến cố làm giảm hoặc mất khả năng thanh toán từ thu nhập theo lao động. Đóng góp vào công tác BHXH là trách nhiệm cũng như quyền lợi của người SDLĐ và NLĐ. Người SDLĐ đóng góp một phần để BHXH cho NLĐ tránh được những thiệt hại về kinh tế, đồng thời giảm bớt tình trạng tranh chấp, tạo sự gần gũi trong quan hệ với NLĐ; NLĐ trích một phần thu nhập để đóng BHXH là để đối phó với những khó khăn về kinh tế do những rủi ro trong cuộc sống gây ra. Để từ đó, cán bộ, chiến sĩ và NLĐ thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong CAND khi tham gia BHXH. Đồng thời, biểu dương, động viên các đơn vị và cá nhân có tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện có hiệu quả công tác BHXH. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ Công an cơ sở trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH đối với người dân.
Bốn là, tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH và chủ động phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về BHXH. BHXH CAND cùng các đơn vị chức năng của Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành chức năng tham gia xây dựng các Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, làm tốt công tác nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, trong đó trọng tâm là đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về BHXH còn thiếu, chưa phù hợp với đặc thù của lực lượng CAND. Các đơn vị chức năng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã được Bộ giao tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn về quy trình, quy chế nghiệp vụ trong quản lý, thực hiện các chế độ BHXH; công tác quản lý tài chính BHXH theo đúng quy định của Luật BHXH 2014 và các văn bản hướng dẫn thực hiện của cơ quan chuyên môn phù hợp với đặc thù của CAND.
Ngoài ra, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và các bộ, ban ngành có liên quan làm tốt công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về BHXH... Theo đó, tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp số 3461/QCPH-TCCS-BHXH ngày 16/8/2017 giữa Tổng cục Cảnh sát (nay là Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về phòng chống tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) và BHXH Việt Nam trong công tác phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về BHXH mà trọng tâm là kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đọng, trục lợi, tham nhũng BHXH. Chủ động phát hiện, đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động đối với việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về ASXH.■